Vẫn có tiêu cực trong quá trình thanh tra
Là người đầu tiên nêu câu hỏi, ĐB Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận) nhận xét, có một số vụ việc khi Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra thì kết luận không có khuyết điểm, sai phạm hoặc chỉ ở mức kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Nhưng khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra thì lại chỉ ra những sai phạm và phải chuyển qua xử lý hình sự. “Phải chăng là do pháp luật chưa đồng bộ, cách thực hiện pháp luật chưa đúng, hay là có tiêu cực trong quá trình thanh tra?”, ĐB Đặng Hồng Sỹ chất vấn. Trả lời ĐB, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã... nêu một vụ việc cụ thể ở tỉnh Bình Thuận để minh chứng cho sự khác biệt giữa kết luận thanh tra và kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Chưa hài lòng với phần trả lời này, ĐB Đặng Hồng Sỹ tiếp tục đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ “trả lời thẳng vào câu hỏi, không nêu vụ việc cụ thể”. Đáp lại, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho rằng, với quy định pháp luật hiện nay, đối với cùng một sự việc, có thể có nhiều cách hiểu khác nhau. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân về cơ chế chính sách thay đổi khi trải qua nhiều thời kỳ; một số cơ chế chính sách chưa phù hợp khi áp dụng vào kết quả thanh tra để xác định đúng sai. Khi phát hiện vấn đề, đoàn thanh tra có thể yêu cầu đối tượng được thanh tra khắc phục về kinh tế để tránh thất thoát đến mức phải xử lý hình sự. “Có trường hợp có khả năng xử lý về mặt kinh tế được thì cho thời hạn, quá thời hạn đó phải chuyển cơ quan điều tra”, ông Đoàn Hồng Phong nói.
Tuy nhiên, trước hàng loạt câu hỏi tiếp đó của các ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị), Nguyễn Quang Huân (Bình Dương), Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Tổng Thanh tra Chính phủ đành thừa nhận, dư luận có phản ánh những biểu hiện và dấu hiệu tiêu cực của cán bộ thanh tra. Ông Đoàn Hồng Phong đề nghị ĐB và cử tri phản ánh trực tiếp để Tổng Thanh tra Chính phủ xem xét, xử lý theo quy định pháp luật.
Thu hồi tài sản tham nhũng vẫn thấp
Trong báo cáo gửi đến các ĐB, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, về thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng năm 2022, tổng số phải thi hành là 3.973 việc, tương ứng với hơn 89.600 tỷ đồng. Trong đó, số có điều kiện thi hành là 2.739 việc, tương ứng gần 43.600 tỷ đồng; đã thi hành 1.895 việc, tương ứng với gần 16.000 tỷ đồng, tăng 290% về tiền so với năm 2021. “Mặc dù kết quả thu hồi tài sản tham nhũng năm sau cao hơn năm trước, song việc thu hồi tài sản do tham nhũng vẫn đạt tỷ lệ thấp, là một trong những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng”, Tổng Thanh tra Chính phủ thừa nhận.
Tại phiên chất vấn trực tiếp, nhiều ĐB đã “mổ xẻ” khiếm khuyết này. ĐB Phạm Nam Tiến (Đắk Nông) phân tích: “Còn 40%-50% số tài sản chưa được thu hồi trong các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo là con số không nhỏ, vì giá trị tham nhũng trong một vụ án có thể lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng”. ĐB đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết giải pháp căn cơ sao cho việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả hơn. ĐB cũng băn khoăn về việc chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra còn ít so với tỷ lệ các vụ việc được phát hiện sau thanh tra.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thừa nhận, thu hồi tài sản là vấn đề khó. Để cải thiện tình hình, người đứng đầu ngành Thanh tra nhấn mạnh yêu cầu hoàn thiện cơ chế, chính sách, tăng cường xử lý sau thanh tra và thi hành án; khi phát hiện dấu hiệu tội phạm phải xử lý ngay, tránh tẩu tán, thất thoát tài sản. Đồng thời, các cơ quan phải tích cực hợp tác quốc tế trong giải quyết, thu hồi tài sản có yếu tố nước ngoài.
Cũng về vấn đề này, ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề cập đến việc thu hồi tài sản bất minh do người khác đứng tên. Trong điều kiện chưa có luật về đăng ký tài sản, ĐB Hà Sỹ Đồng đề xuất chuyển hướng từ xử lý hình sự sang khởi kiện dân sự để thu hồi được triệt để hơn. Trả lời ĐB, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, quan điểm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế”. Đối với những vụ chưa phân định rõ là hình sự hay kinh tế thì ưu tiên xử lý kinh tế trong thời hạn thanh tra. Tuy nhiên, việc này chỉ áp dụng trong một thời hạn nhất định, có thể 1-1,5 năm, nếu sau thời gian này không thực hiện được thì sẽ chuyển đến cơ quan điều tra.
Phát biểu làm rõ thêm về lĩnh vực thanh tra, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, năm 2022, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo công tác thanh tra, coi đây là công tác trọng tâm; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ trong công tác thanh tra phòng chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ đã giao Thanh tra Chính phủ xây dựng Luật Thanh tra (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này. Đây là một giải pháp quan trọng, góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong ngành. Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm tham nhũng, kiểm soát tài sản thu nhập, thu hồi tài sản tham nhũng… “Chính phủ tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các ĐB để tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác này, đảm bảo phát huy vai trò của ngành Thanh tra trong công tác phòng, chống tham nhũng”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cam kết.
Có thể sẽ điều hành giá xăng dầu theo ngày
|