Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, trách nhiệm của Hội Luật gia Việt Nam - tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp; hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, là thành viên của MTTQ Việt Nam. Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ đối với Hội Luật gia Việt Nam phát huy các cấp hội, hội viên tích cực đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Đồng thời, tiếp tục củng cố, kiện toàn, xây dựng Hội Luật gia Việt Nam ngày càng vững mạnh về tổ chức; chú trọng làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, công tác kiểm tra, giám sát hội viên trong tổ chức, hoạt động...
Bộ Chính trị cũng yêu cầu, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Hội Luật gia, tập trung hướng về cơ sở, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, điều lệ của hội; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức hoạt động của các cấp hội; nâng cao chất lượng tham gia xây dựng pháp luật; tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giám sát việc thi hành pháp luật.
Hội Luật gia Việt Nam cần tích cực thực hiện tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, nhất là cho người nghèo, đối tượng chính sách, vùng sâu, vùng xa; tham gia công tác tiếp dân, giải quyết tranh chấp ngoài tòa án, hòa giải ở cơ sở; phát huy vai trò của hội trong công tác đối ngoại nhân dân; tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức và cá nhân tiến bộ trong khu vực và thế giới; tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tuyên truyền giới thiệu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ra nước ngoài, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch; vận động luật gia là người Việt Nam định cư ở nước ngoài đóng góp xây dựng quê hương, đất nước.