Đã giảm được 20% - 30% lượng rác thải
Ngày càng có nhiều người đến TPHCM sinh sống, học tập và làm việc… kéo theo nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao. Vì thế, lượng hàng hóa, nhất là các mặt hàng rau, củ quả nhập về các chợ cũng không ngừng gia tăng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ phát sinh một lượng rác thải lớn từ hoạt động sơ chế sản phẩm tại các chợ.
Theo Công ty Kinh doanh quản lý chợ Bình Điền, hiện nay, tổng lượng hàng nhập chợ bình quân khoảng 2.600 tấn/ngày. Mỗi đêm có khoảng 25.000 - 30.000 lượt người ra vào chợ, lượng rác thải hữu cơ phát sinh tại chợ khoảng 50 - 60 tấn/ngày. Tương tự, tại chợ nông sản Thủ Đức, tổng lượng hàng hóa rau củ, trái cây nhập chợ khoảng 3.516 tấn/ngày, lượng rác thải sau sơ chế khoảng 55 tấn.
Tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, mỗi ngày chợ nhập khoảng 1.600 tấn rau, củ và 550 tấn trái cây. Những hàng hóa này được sơ chế trước khi các tiểu thương nhiều nơi về lấy hàng. Sau khi sơ chế, rác nông sản mỗi ngày khoảng 60 tấn.
Theo thống kê của các chợ đầu mối, sau một thời gian đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thương nhân làm việc với các đầu mối cung cấp thực hiện sơ chế sản phẩm trước khi nhập chợ, lượng rác thải phát sinh đã giảm 20% - 30% so với trước đây.
Tuy nhiên, công tác giảm rác thải từ việc sơ chế sản phẩm ở các chợ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đại diện chợ nông sản Thủ Đức cho biết, khó khăn hiện nay là do bao ni lông tiện lợi trong giao dịch mua bán nên vẫn được sử dụng rất phổ biến, đặc biệt túi ni lông khó phân hủy có giá thành rẻ hơn so với túi ni lông thân thiện với môi trường. Để giải quyết khó khăn này, cần có giải pháp để giá thành túi tự hủy bằng loại không tự hủy với chất lượng tương đương.
Trong khi đó, chợ Bình Điền lại đang gặp khó khăn trong việc xử lý kinh doanh trái phép, lấn chiếm lòng lề đường trên các tuyến đường vào chợ làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông và an ninh trật tự; đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và quyền lợi của thương nhân đang kinh doanh hợp pháp tại chợ.
Ngoài ra, lượng bùn thải phát sinh trong quá trình hoạt động (sơ chế, rửa củ quả, rau thịt) tại chợ hiện nay quá lớn (170 - 200 tấn/tháng), chi phí xử lý lên đến 3 tỷ đồng/năm. Đây là chi phí phát sinh ngoài phí quản lý tại chợ, công ty không thể thu tiền từ tiểu thương để bù đắp.
Tiến tới 100% hàng hóa phải được sơ chế
Nhiều ý kiến cho rằng, hàng hóa nông sản hiện nay phần lớn không sơ chế, khi vào tới thành phố sẽ tạo lượng rác thải nhiều. Thực tế, việc sơ chế rất có lợi cho nhà cung cấp bởi giảm được chi phí vận chuyển, tỷ lệ hao hụt, phế phẩm khi tiến hành sơ chế, đóng gói. Muốn giải quyết tận gốc vấn đề sơ chế nông sản tại nguồn, cần phải có sự tham gia đồng bộ từ cơ quan quản lý tại TPHCM và cả ở các địa phương sản xuất hàng hóa.
Để kéo giảm lượng rác thải phát sinh tại chợ, bà Trần Thúy Liên, Giám đốc Công ty Bình Điền, kiến nghị thành phố cần làm việc với các tỉnh thành cung ứng nguồn thực phẩm lớn cho TPHCM (Lâm Đồng, Đắk Nông, Tiền Giang…). Qua đó, quán triệt chủ trương sơ chế hiện có, đồng thời xây dựng quy chuẩn đóng gói hàng hóa tại nguồn trước khi đưa về 3 chợ đầu mối của thành phố.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết hiện các quy định sơ chế hàng hóa là thực phẩm đã có. Để giảm lượng rác thải phát sinh trong chợ, các chợ đầu mối cần làm tốt hơn nữa công tác kiểm tra hàng hóa sơ chế trước khi nhập chợ, tiến tới 100% hàng hóa phải được sơ chế tại nguồn.
Đồng thời, các chợ cần trang bị và bố trí thêm thùng rác, xe chứa rác phù hợp để thu gom phế phẩm hàng hóa, rác thải sinh hoạt tại nhà lồng chợ và các khu vực xung quanh; tăng cường vệ sinh, thu gom rác thải trong các nhà lồng vào giờ hoạt động ban đêm nhằm đảm bảo việc thu gom rác thải triệt để. Thời gian qua, TPHCM cũng đã tăng cường hợp tác với các địa phương để quán triệt thực hiện việc sơ chế tại nguồn đối với sản phẩm nông sản trước khi nhập chợ.
Trong tương lai, tất cả hàng hóa nông sản thực phẩm của các tỉnh nhập vào 3 chợ đầu mối của TPHCM phải được sơ chế, phân loại, kiểm dịch an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ, đóng gói vào bao bì, để phân phối trực tiếp vào các chợ bán lẻ, siêu thị, cửa hàng và các nơi tiêu dùng khác trên địa bàn thành phố.