Chiều 29-9, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử".
Để quản lý hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Cơ quan thuế các cấp đã sớm chủ động vào cuộc, phối hợp với các ngành liên quan chống thất thu thuế hoạt động kinh doanh này. Tuy nhiên, so với thu nhập và doanh thu khủng, số thuế nộp ngân sách Nhà nước từ lĩnh vực kinh doanh TMĐT chưa tương xứng với tiềm năng phát triển, gây thất thu ngân sách Nhà nước. Hơn thế nữa, điều này đang gây mất bình đẳng giữa những người kinh doanh.
Tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, đối với đặc trưng nền kinh tế số và TMĐT, không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới thì ngành thuế đều gặp không ít khó khăn.
Cụ thể, khó khăn trong quản lý đầy đủ nguồn thu và đối tượng nộp thuế; người nộp thuế có thể bất kể là tổ chức hoặc cá nhân; khó khăn trong việc tính thuế... Cùng với đó là khó phân biệt các loại thu nhập: TMĐT có nhiều loại như phí dịch vụ, phí bản quyền… cần làm rõ để phân biệt tính làm cơ sở đánh thuế. Cùng với đó là khó khăn trong quản lý các đối tượng. Vì có thể đối tượng đánh thuế là tổ chức hoặc cá nhân, 1 cá nhân có thể mở nhiều gian hàng trên các trang mạng xã hội cũng có thể bán hàng trên nhiều nền tảng TMĐT khác nhau.
“Khó khăn nữa là quản lý dòng tiền. Vấn đề này không hề đơn giản vì tại Việt Nam việc giao dịch tiền mặt vẫn phổ biến, có thể nói giao dịch tiền mặt vẫn khá nhiều so với qua ngân hàng…”, bà Nguyễn Thị Lan Anh nêu.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Thông tin điện tử, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT), Cục thực hiện nhiệm vụ quản lý các dịch vụ số xuyên biên giới. Từ năm 2016, Bộ TT-TT đã thiết lập được một cơ chế phối hợp với các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google... sau này là Tik Tok để yêu cầu tuân thủ luật pháp Việt Nam (Nghị định 72/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet cũng như các quy định của Luật An ninh mạng).
Trong quá trình làm việc, cũng như rà quét các nội dung trên môi trường mạng, chúng tôi cũng nhận thấy ngoài các thông tin vi phạm nói chung như thông tin xấu độc, tuyên truyền chống phá Nhà nước và các thông tin giả, bôi nhọ, nói xấu các tổ chức, cá nhân thì trên nền tảng thông tin xuyên biên giới còn rất nhiều thông tin vi phạm pháp luật khác như vi phạm về quảng cáo, thương mại điện tử, thuế…
GS-TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế Quốc dân nhận xét, ngành thuế là ngành đi đầu trong chuyển đổi số của Việt Nam.
Việt Nam là một trong 4 nước đi đầu ở khu vực Đông Nam Á về việc quản lý thuế xuyên biên giới thông qua việc các nhà mạng phải kê khai thuế trên Cổng thông tin điện tử. Ngay cả các hoạt động kinh doanh dịch vụ thông qua nền tảng số như Uber, Grab dù không phải là hàng hóa, nhưng chúng ta đã tiếp cận sớm và đến nay có được đầy đủ các công cụ pháp lý để thực hiện thu thuế với dịch vụ này.