Báo cáo cho biết, cử tri tỉnh Bình Dương bày tỏ lo lắng về tình trạng người nước ngoài, nhất là người Trung Quốc, “lập xóm, lập phố” tại một vài địa phương.
Về vấn đề này, Bộ Công an trả lời: Trong những năm gần đây, nước ta có nhiều khu dự án kinh tế, thu hút một lượng lớn người nước ngoài, nhất là người Trung Quốc nhập cảnh để xây dựng, làm việc. Tại các khu dự án chưa phát hiện tình hình phức tạp về an ninh, trật tự liên quan đến người nước ngoài.
Tuy nhiên, để bảo đảm an ninh, trật tự đối với các hoạt động của người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, Bộ Công an đã và đang phối hợp với các đơn vị chức năng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, nhất là quy định về phân công, phân cấp trách nhiệm trong Công an nhân dân, về công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú và hoạt động của người nước ngoài tại Việt Nam; nhất là đề xuất ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Trong đó, tăng cường công tác nắm tình hình các cơ sở lưu trú có người nước ngoài tạm trú, các cơ sở có người nước ngoài đang lao động, làm việc các cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, casino; thực hiện nghiêm, quản lý chặt chẽ công tác cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện liên quan đến người nước ngoài tại Việt Nam.
Công việc cũng được Bộ quan tâm là chấn chỉnh việc định kỳ rà soát, thống kê, lập danh sách, nắm chắc số người nước ngoài cư trú tại địa bàn. Thông qua quản lý người nước ngoài để nắm tin tức, tình hình liên quan đến an ninh, trật tự, kịp thời phát hiện những trường hợp có biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật Việt Nam và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Về dự án Luật Biểu tình, Ban Dân nguyện cho biết, cử tri tỉnh Bình Thuận đề nghị xem xét sớm trình Quốc hội ban hành Luật Biểu tình để công dân thực hiện quyền của mình theo quy định của pháp luật.
Bộ Công an cho rằng, dự án này vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc, chưa thống nhất cao về đối tượng áp dụng, những trường hợp không được tổ chức, tham gia biểu tình, thẩm quyền cho đăng ký biểu tình...
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an đã phối hợp các cơ quan chức năng tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18-3-2005 của Chính phủ quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng.
Bộ cũng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, khảo sát thực tế, nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia, như: Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan... để xây dựng dự án Luật Biểu tình.
Đến nay, dự thảo Luật đã được các bộ, ngành tham gia ý kiến, Bộ Tư pháp thẩm định, các thành viên Chính phủ cho ý kiến. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc, chưa thống nhất cao về đối tượng áp dụng, những trường hợp không được tổ chức, tham gia biểu tình, thẩm quyền cho đăng ký biểu tình...
Trong khi đó, dự án Luật Biểu tình có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội, được quần chúng nhân dân rất quan tâm, nên cần phải được nghiên cứu kỹ, bảo đảm chất lượng, phù hợp với thực tiễn, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng sự thiếu chặt chẽ của Luật mà xuyên tạc, hoạt động chống phá.
Thêm vào đó, để thực hiện có hiệu quả Luật Biểu tình, cần phải hoàn thiện các đạo luật có liên quan, như: Luật Tình trạng khẩn cấp, Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ...
Do đó, Bộ Công an đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép lùi thời gian trình dự thảo Luật để có thêm thời gian nghiên cứu, thống nhất nội dung và hoàn thiện sau đó sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo quy định.