Ngày 11-8, UBND TPHCM đã tổ chức hội nghị công bố Nghị quyết 80/NQ-CP ngày 19-6-2018 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) của TPHCM, đồng thời ký kết bàn giao chỉ tiêu, danh mục dự án kế hoạch sử dụng đất giữa Sở Tài nguyên - Môi trường với một số sở ngành và UBND 24 quận, huyện.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, đến dự và chỉ đạo hội nghị.
Điều chỉnh quy hoạch gắn với biến đổi khí hậu
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, cho biết, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) của TPHCM đã được xây dựng công phu, chi tiết, có tính thực tiễn và được xác định trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia đã được Quốc hội thông qua, Thủ tướng phê duyệt.
Theo đó, các chỉ tiêu sử dụng đất theo cấp quốc gia phân bổ, loại đất có diện tích tăng nhiều. Đầu tiên là đất phát triển hạ tầng: Chỉ tiêu quốc gia phân bổ là 31.677ha, điều chỉnh quy hoạch đến năm 2020 là 34.921ha, cao hơn 3.244ha. Tiếp đó, nhóm đất phi nông nghiệp chỉ tiêu quốc gia phân bổ là 117.810ha, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 là 188.890ha, cao hơn 1.080ha. Đối với đất rừng phòng hộ, chỉ tiêu quốc gia phân bổ là 33.292ha, điều chỉnh quy hoạch đến năm 2020 là 33.901ha, cao hơn 609ha… Các loại đất còn lại hầu như giữ nguyên hoặc biến động không đáng kể: đất ở tại đô thị là 24.060ha, bằng chỉ tiêu quốc gia phân bổ; đất trồng lúa là 3.000ha, bằng chỉ tiêu quốc gia phân bổ…
Đáng chú ý, trong Nghị quyết 80/NQ-CP ngày 19-6-2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, loại đất nông nghiệp chuyển sang phi nông nghiệp gồm đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất và đất nuôi trồng thủy sản trong kỳ cuối 2016 - 2020 với diện tích 26.246ha (kỳ đầu từ năm 2011 - 2015 chỉ có 3.121ha được chuyển đổi), năm 2018 có diện tích chuyển đổi nhiều nhất với 11.743ha.
Bản đồ kế hoạch sử dụng đất TPHCM kỳ cuối (2016 - 2020)
Nhằm thực hiện hiệu quả việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020), ông Nguyễn Toàn Thắng đề ra nhiều giải pháp thực hiện. Đáng chú ý là xây dựng giao thông kết nối giữa các khu dân cư và các tuyến metro để tiếp cận nhanh với giao thông công cộng; chú trọng đầu tư các khu đô thị vệ tinh theo hướng đồng bộ cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi để hạn chế di chuyển người dân vào khu trung tâm, góp phần giảm ùn tắc giao thông và thúc đẩy chương trình giãn dân ra các khu đô thị mới. Chú trọng đầu tư hoàn chỉnh 4 đô thị vệ tinh của TP tại 4 hướng, phía Đông: phường Long Trường, quận 9 với diện tích 280ha, giáp với trục cao tốc Long Thành - Dầu Giây; phía Tây, khu vực giáp quốc lộ 1A thuộc xã Tân Kiên huyện Bình Chánh diện tích 200ha, trục đường Nguyễn Văn Linh; phía Nam, khu A đô thị mới Nam Sài Gòn, trục đường Nguyễn Hữu Thọ, diện tích 110ha; phía Bắc, khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, hướng quốc lộ 22 với diện tích 500ha.
Đồng thời, TP nên ưu tiên phân bổ đất đai cho các ngành dịch vụ, tài chính và các ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng khoa học - công nghệ và giá trị gia tăng cao; hạn chế phát triển ngành nghề có công nghệ thấp, thâm dụng lao động nhằm hạn chế lao động phổ thông nhập cư vào TP…
Đất xây dựng khu dân cư tại huyện Bình Chánh, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
“Một trong những điểm quan trọng của điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất TPHCM đến năm 2020 là lồng ghép với vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Từ đó sẽ đưa ra phương án sử dụng đất phù hợp với chiến lược thích ứng biến đổi khí hậu trên địa bàn TP, bởi theo kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng do Bộ Tài nguyên - Môi trường công bố (cập nhật năm 2016), trong trường hợp mực nước biển dâng 100cm và không có giải pháp ứng phó, khoảng 17,8% diện tích TPHCM và 38,9% diện tích đồng bằng sông Cửu Long bị ngập”, ông Hoàng Tùng, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, nhận xét.
Giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu được nêu tại hội nghị là những nơi địa hình thấp trũng (dưới đỉnh triều cường 1,5m) cần xây dựng với mật độ thấp, tăng diện tích không gian xanh và không gian mở (ít nhất 30% diện tích) để trữ nước mưa, hạn chế ngập lũ đô thị. TPHCM khẩn trương xây dựng các hồ điều tiết chống ngập như Gò Dưa (Thủ Đức) 17,2ha, hồ Bàu Cát (Tân Bình) diện tích 0,4ha, hồ Khánh Hội (quận 4) diện tích 4,8ha; khuyến khích các quận, huyện xây dựng hồ điều tiết, hồ cảnh quan, hồ đa chức năng trong các khu dân cư; tiếp tục thực hiện theo quy hoạch thủy lợi chống ngập khu vực TP đã được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2008…
Xử lý nghiêm dự án treo, tổ chức đấu giá đất
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, phân tích, TP có diện tích 209.555ha, đất nông nghiệp chiếm 52% nhưng chỉ đóng góp 0,06% tổng giá trị GDP. Do đó, việc điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất lần này tạo điều kiện để đáp ứng cho yêu cầu phát triển của các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ và yêu cầu nâng cấp hạ tầng đô thị, bao gồm hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, kể cả đất dành cho an ninh quốc phòng. Đồng thời, TP phải có kế hoạch sử dụng hiệu quả đối với diện tích đất canh tác còn lại, làm sao nâng cao được năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, thực hiện tái cơ cấu trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Việc TP tổ chức công bố Nghị quyết 80 là công bố công khai với kế hoạch sử dụng đất từng năm và các dự án cụ thể, để từ đó người dân có cơ sở giám sát quận huyện, sở ngành. Tiếp đó, công khai chỉ tiêu sử dụng đất TP đến năm 2020 cho các quận, huyện để thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối; việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 80, phải công khai thống nhất chặt chẽ, tránh lãng phí và tăng nguồn thu ngân sách để đáp ứng cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng trên địa bàn TP; tăng cường hơn trách nhiệm của các quận huyện, sở ngành. Sở Tài nguyên - Môi trường tham mưu cho UBND TP về trách nhiệm của các UBND quận, huyện, của các sở ngành rất cụ thể, chứ không nói chung chung.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong xem bản đồ kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) của TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nêu rõ các nhóm giải pháp thực hiện. Đầu tiên là công khai minh bạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm của TPHCM sẽ được công bố rộng rãi, công khai. Các dự án sử dụng đất giai đoạn 2016 - 2020 và tất cả các dự án có bồi thường phải công bố công khai phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư tại UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư, nơi mà có đất thu hồi, tại nơi tái định cư với trường hợp nhà nước thu hồi đất theo quy định, để cho người dân giám sát, cùng nhau thực hiện. Việc công khai này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai dự án, để từ đó đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất trong khu vực, giúp cho các cơ quan quản lý theo dõi tiến độ thực hiện dự án hàng năm, phát hiện và ngăn chặn xử lý những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương như chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích…
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong: Chuyển cơ quan điều tra việc chuyển nhượng dự án, ăn chênh lệch giá
TPHCM có rất nhiều trường hợp khi giao dự án thì chuyển nhượng hết người này sang người khác để ăn chênh lệch giá. Thành phố đã và đang rất cương quyết xử lý và vừa rồi chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra một số dự án. Không thể chấp nhận như vậy được, đó không phải là doanh nghiệp chân chính. Thành phố giao đất để triển khai dự án, nếu không có điều kiện triển khai thì trả lại cho TP. Chúng ta sẵn sàng tạo điều kiện và hỗ trợ hết sức để hoạt động của doanh nghiệp có hiệu quả nhưng không chấp nhận những doanh nghiệp làm ăn không đúng quy định pháp luật.
Đối với việc xử lý các dự án đã được ghi trong quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, TP đã yêu cầu Sở Tài nguyên - Môi trường đánh giá lại tình hình thực hiện các năm từ 2016 - 2018, tất cả những dự án đã giao có triển khai hay không, nếu không thì thu hồi, như huyện Nhà Bè có 87 dự án nhưng rất nhiều dự án nhận xong rồi để đó. TP đề nghị giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường lập tổ công tác rà soát, trước hết là Nhà Bè, sau đó là tất cả các quận, huyện. Giao đất cho doanh nghiệp triển khai dự án, theo quy hoạch đã công bố cho người dân rất rõ ràng nhưng cứ để kéo dài là không thể chấp nhận. Do đó, các dự án trong quy hoạch đã ghi vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm tại quận, huyện đã được công bố 3 năm, từ năm 2016 đến nay mà không thực hiện thì hủy bỏ dự án, sau đó giải quyết quyền lợi cho người dân trong khu vực. Các dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất mà chậm đưa vào sử dụng thì chủ đầu tư phải có văn bản gia hạn thời gian thực hiện 24 tháng theo quy định, đồng thời chuyển cơ quan thuế thu nghĩa vụ tài chính; trường hợp không có văn bản đề nghị gia hạn, hoặc sau khi gia hạn 24 tháng mà không đưa vào sử dụng thì thu hồi. Nếu không kiên quyết thì kế hoạch sử dụng đất theo Nghị quyết 80 của Chính phủ sẽ không có hiệu quả.
Đối với đấu giá quyền sử dụng đất, đồng chí Nguyễn Thành Phong chỉ đạo, căn cứ vào quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất hàng năm, giao Công ty Đầu tư tài chính TP và Trung tâm Phát triển quỹ đất lập kế hoạch vốn để tổ chức bồi thường tạo quỹ đất, trên cơ sở đất sạch thì tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Thực tế cho thấy, khi triển khai đấu giá đất sạch sẽ thu ngân sách rất lớn, không làm thất thoát tài sản của nhà nước. Đối với quỹ đất do nhà nước trực tiếp quản lý - đất công, tổ chức rà soát đưa vào quy hoạch kế hoạch sử dụng đất thì công bố công khai thực hiện bán đấu giá quyền sử dụng đất nhằm nâng cao giá trị các khu đất, góp vào nguồn thu ngân sách TP. Các dự án được giao đất sử dụng không đúng mục đích, căn cứ vào quy hoạch kế hoạch sử dụng đất thực hiện thu hồi đấu giá công khai minh bạch, giao Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Tài chính thống kê lại để có giải pháp xử lý.
Quận 12: Hủy bỏ 11 dự án chưa thực hiện, hoặc bồi thường dưới 50%
Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND quận 12, báo cáo tại hội nghị, trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm, quận đã chủ động rà soát pháp lý, tính khả thi của từng dự án để đưa vào danh mục các dự án cần thu hồi, giao thuê đất; mạnh dạn loại bỏ các dự án không khả thi ra khỏi danh mục thực hiện trong kế hoạch. Cụ thể, quận đã kiến nghị và được UBND TP, Sở Tài nguyên - Môi trường chấp thuận thu hồi, hủy bỏ 11 dự án chưa thực hiện, hoặc bồi thường dưới 50% như dự án khu nhà ở Thới An 2, 3, 4 do Công ty Kinh doanh nhà Phú Nhuận làm chủ đầu tư, khu nhà ở An Phú Đông 5 do Công ty TNHH Đệ Tam làm chủ đầu tư. Nhờ đó, trên địa bàn quận, các dự án mới triển khai không còn tình trạng kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân.
Dân bức xúc vì “dự án treo”
Tại huyện Nhà Bè, ông Võ Thành Khả, Phó Chủ tịch UBND huyện, nêu thực trạng, quy hoạch là định hướng, tuy nhiên để thực hiện quy hoạch chúng ta đang khó khăn về nguồn vốn cũng như chưa xác định được lộ trình thực hiện, do đó nhiều vùng quy hoạch chậm triển khai, gây bức xúc cho người dân và gây lãng phí nguồn lực về đất đai. Nhiều dự án thực hiện theo cơ chế doanh nghiệp tự thỏa thuận quỹ đất với người dân bị “nghẽn” do vướng công tác bồi thường, nhất là đối với các dự án có quy mô lớn, diện tích bồi thường đạt trên 90%, phần còn lại doanh nghiệp và người dân không thỏa thuận được cũng không thể triển khai thực hiện, làm ảnh hưởng chung đến việc khai thác hiệu quả tiềm lực đất đai cho phát triển của huyện.