Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các thành viên Ban Chỉ đạo đánh giá cao sáng kiến của tỉnh Lào Cai trong việc tổ chức đội lái xe trung chuyển (bao gồm các lái xe được trang bị phương tiện bảo hộ chuyên dụng) để tổ chức đưa hàng hóa thông quan qua cửa khẩu và cho rằng, đây là giải pháp các cửa khẩu đường bộ có thể vận dụng.
Theo Bộ Y tế, sáng kiến phòng dịch bằng việc cách ly tại chỗ từ phía lái xe chở hàng hóa trung chuyển từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại sẽ hạn chế việc lái xe hai bên tiếp xúc trực tiếp nhau và đội ngũ lái xe trung chuyển của hai phía được bố trí ăn ở tại cửa khẩu. Nếu ai trong số đội ngũ này không thực hiện việc lái xe trung chuyển nữa sẽ thực hiện cách ly 14 ngày tại cửa khẩu để đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Từ sáng kiến này, Bộ Y tế sẽ yêu cầu vụ, cục chức năng soạn thảo cụ thể, chi tiết quy trình cách ly cho đội ngũ lái xe để thông thương hàng hóa, từ đó có thể áp dụng cho các cửa khẩu lớn khác trong cả nước.
Cũng tại cuộc họp, Bộ Y tế cho biết, qua kiểm tra công tác tổ chức cách ly y tế và ý kiến phản ánh của dư luận cho thấy đa số các địa phương đã thực hiện tốt. Tuy nhiên, vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền tỉnh thành còn chủ quan, chỉ dựa vào văn bản của Trung ương rồi ban hành văn bản chỉ đạo xã, phường thực hiện, thậm chí có nơi còn “khoán trắng” cho cơ sở trong công tác tổ chức thực hiện việc cách ly tại cộng đồng. Do vậy, bên cạnh công tác tuyên truyền, các ý kiến đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, đôn đốc tổ chức thực hiện nghiêm công tác cách ly tại cơ sở theo đúng quy định.
Trước thực tế này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo cần tăng cường quản lý cách ly ngoài cộng đồng. Bộ Y tế cần có khuyến cáo cụ thể hơn vấn đề cách ly cho từng nhóm đối tượng, như người dân ở chung cư thì phải cách ly thế nào để người dân hiểu rõ và thực hiện đúng. Đồng thời, tuyên truyền cho người dân hiểu mức độ nào thì cần đến viện chứ không phải cứ sốt, ho là ùn ùn đến bệnh viện làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm chéo.
Đối với công tác xét nghiệm phát hiện người mắc nCoV, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện cả nước có khoảng 22 đơn vị đủ khả năng thực hiện xét nghiệm, nếu huy động thêm có thể lên tới 30 đơn vị. Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp chặt chẽ với các nhóm nghiên cứu và các đơn vị liên quan đánh giá về mặt hiệu quả, an toàn sinh học… trên tinh thần tạo điều kiện tối đa cho việc nghiên cứu, triển khai sản xuất bộ kit thử nhanh xét nghiệm nCoV.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác Bộ Y tế đã đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch nCoV tại Vĩnh Phúc.
Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, hiện nay tại địa phương có 9 trường hợp dương tính với nCoV; 54 trường hợp nghi ngờ được cách ly và giám sát; 249 trường hợp có liên quan tiếp xúc gần với các trường hợp dương tính cũng đang được theo dõi.
Trước diễn biến phức tạp của dịch nCoV, Trường Đại học Phú Xuân tổ chức dạy và học trực tuyến cho sinh viên từ ngày 10 đến 16-2. Đây là đơn vị giáo dục đầu tiên tại Thừa Thiên - Huế tổ chức dạy học trực tuyến cho sinh viên để phòng dịch nCoV.
Hỗ trợ nông dân tiêu thụ các loại nông sản Ngày 10-2, Bộ Công thương cho biết, đã nhận được thông tin từ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Tây (Trung Quốc) báo cáo, chính quyền tỉnh Quảng Tây đã quyết định kéo dài thời gian đóng cửa các chợ biên giới và tiếp tục tạm dừng hoạt động trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới, trước mắt là tới cuối tháng 2 (thay vì đến 9-2 như dự định khi dịch nCoV mới xảy ra). Trong khi đó, chính quyền tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) chưa có thông tin chính thức, nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch nCoV, nhiều khả năng cũng sẽ đưa ra quyết định tương tự. Theo Bộ Công thương, quyết định kéo dài thời gian đóng cửa các chợ biên giới và tiếp tục tạm dừng hoạt động trao đổi hàng hóa giữa cư dân biên giới của chính quyền 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam dự kiến sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam (hiện chủ yếu xuất qua đường tiểu ngạch). Bộ Công thương đã có văn bản đề nghị Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Tây và Vân Nam liên hệ với chính quyền 2 tỉnh để trao đổi các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của việc đóng cửa các chợ biên giới và dừng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới. Tuy nhiên, do khả năng sớm mở lại các chợ cửa khẩu biên giới là không nhiều nên Bộ Công thương đề nghị, đối với các loại nông sản đang dựa vào xuất khẩu tiểu ngạch (như thanh long và dưa hấu), các doanh nghiệp và người dân tự điều tiết, không gia tăng sản lượng vào thời điểm này. Với những diện tích chưa gieo trồng, kiến nghị xem xét chuyển sang các loại nông sản khác dễ tiêu thụ theo khuyến nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT). Với sản lượng đã hoặc sắp thu hoạch, cần hạn chế đưa lên biên giới (trừ trường hợp đưa lên để xuất khẩu chính ngạch). Bộ Công thương sẽ chỉ đạo ưu tiên cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) cho những lô hàng sẵn sàng chuyển sang hình thức chính ngạch. Với các doanh nghiệp logistics có kho lạnh, đề nghị tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh nông sản, ưu tiên bảo quản các mặt hàng đang gặp khó khăn do chưa thể xuất khẩu sang Trung Quốc, giảm chi phí lưu kho, lưu bãi, giảm phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa để hỗ trợ nông dân như khuyến nghị ngày 6-2 của Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam; đề nghị các doanh nghiệp phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị... tiếp tục hỗ trợ nông dân tiêu thụ các loại nông sản đang gặp khó khăn như thanh long, dưa hấu. Bộ Công thương cùng Bộ NN-PTNT sẽ nỗ lực tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, chỉ đạo toàn bộ hệ thống thương vụ và tham tán nông nghiệp tại nước ngoài tìm kiếm, giới thiệu khách hàng mới, góp phần thúc đẩy chuyển hướng tiêu thụ nông sản trong giai đoạn hiện nay. Cùng ngày, tại cửa khẩu Giang Thành (Kiên Giang) giáp với huyện Konpong Track, tỉnh Kampot (Campuchia) các hoạt động đi lại, mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân khu vực biên giới vẫn diễn ra bình thường. Theo ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch UBND huyện Giang Thành, lực lượng địa phương cùng Bộ đội Biên phòng đã tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới trên địa bàn. Đặc biệt, các cửa phụ, đường mòn, lối mở, đều được đóng, để tập trung về cửa khẩu chính nhằm dễ quản lý, kiểm soát dịch. |