Theo chương trình hành động mới, Chính phủ đặt ra yêu cầu xác định rõ vai trò của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ NN-PTNT triển khai có hiệu quả sau khi Luật Bảo vệ và phát triển rừng sửa đổi được ban hành và có hiệu lực. Tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về phân công trách nhiệm cho các bộ ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, đầu tư ứng dụng công nghệ viễn thám để quản lý lửa rừng và giám sát mất rừng, tăng cường trang thiết bị hiện đại phục vụ chữa cháy rừng.
Bộ NN-PTNT tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế quản lý đối với gỗ và sản phẩm gỗ xuất nhập khẩu, tránh tình trạng lợi dụng để khai thác gỗ bất hợp pháp từ rừng tự nhiên, hạn chế tình trạng xuất khẩu gỗ nguyên liệu từ rừng trồng trên lãnh thổ Việt Nam ra nước ngoài. Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ KHĐT nghiên cứu đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách xã hội hóa trong đầu tư, thu hút các thành phần kinh tế cùng tham gia công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Tài chính và các lực lượng khác tham gia đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng; ngăn chặn hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép lâm sản qua biên giới và gian lận thương mại trong xuất nhập khẩu lâm sản. Phối hợp với Bộ Công thương tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế quản lý gỗ và sản phẩm gỗ xuất nhập khẩu.
Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành quyết định phân công cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước cho chính quyền cơ sở, quy rõ trách nhiệm người đứng đầu chính quyền, cơ quan, tổ chức về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Trên cơ sở kết quả dự án “Tổng điều tra kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013-2016” vừa công bố, giao trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp đến chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã và chủ rừng. UBND các tỉnh thực hiện nghiêm túc việc dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên. Quản lý chặt chẽ, kiểm tra thường xuyên, đột xuất các cơ sở chế biến gỗ; xử lý nghiêm, đúng quy định, kiên quyết đình chỉ hoạt động cơ sở chế biến gỗ vi phạm.