Việc áp dụng các biện pháp PVTM góp phần bảo vệ việc làm cho trên 100.000 lao động. Những ngành sản xuất đang được bảo vệ bởi các biện pháp PVTM, ước tính đóng góp khoảng 6,3% GDP của cả nước, tăng nguồn thu cho ngân sách, ổn định sản xuất.
Tuy nhiên, những bất cập trong hiểu biết về hội nhập nói chung và PVTM nói riêng hiện chưa có sự thống nhất và phối hợp thực hiện. Đây là nguy cơ lớn cản trở và thách thức sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Trước tình hình này, Bộ Công thương xác định, năm 2019 tiếp tục thực hiện các đề án về PVTM, trong đó tập trung triển khai Đề án 824 về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ.
Cụ thể, Cục PVTM sẽ phối hợp với các bên liên quan hoàn thành việc thành lập tổ thường trực thực hiện đề án, xây dựng cơ chế phối hợp triển khai các nhiệm vụ. Hoàn thiện và cập nhật hàng tháng danh mục các nhóm mặt hàng xuất khẩu tới các thị trường trọng điểm có nguy cơ lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ. Phối hợp với đơn vị chủ trì xử lý các nội dung liên quan đến kiểm tra, để phát hiện hành vi gian lận thương mại…
Để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, Cục PVTM đang xây dựng báo cáo “Xây dựng Chương trình tổng thể về sử dụng các biện pháp PVTM đối với một số ngành sản xuất”, là bước triển khai đầu tiên nhằm đồng bộ hóa các phân tích đánh giá tổng thể về thực trạng công tác PVTM tại Việt Nam; từ đó đề ra các nhóm giải pháp trong ngắn, trung và dài hạn, cùng chiến lược hành động, thực thi cụ thể.
Với DN, để chủ động phòng tránh các vụ kiện, cần phối hợp với hiệp hội ngành nghề tăng cường nắm bắt thông tin về thương mại quốc tế, hội nhập và PVTM.
Điều quan trọng, cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nhằm tránh tình trạng bị áp dụng các biện pháp tự vệ chống bán phá giá hoặc gian lận và lẩn tránh thuế.
Với những mặt hàng nhập khẩu, cần biện pháp theo dõi khi có dấu hiệu gây thiệt hại cho sản xuất trong nước để kịp thời tham vấn, điều tra áp dụng biện pháp PVTM phù hợp.