Theo đó, các đơn vị phải chủ động phòng ngừa để hạn chế tối đa hành vi vi phạm về vận chuyển hàng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là đối với các chuyến bay quốc tế, các địa bàn trọng điểm.
Đồng thời, các đơn vị phải kiểm tra, rà soát chặt chẽ, hoàn thiện quy trình kiểm soát an ninh nội bộ và kiểm tra soi chiếu an ninh hàng không; các hoạt động xếp, dỡ, đưa hàng hóa lên, xuống máy bay tại các cảng hàng không, sân bay; việc mang đồ vật vào, ra các khu vực hạn chế.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần nâng cao nhận thức cho đội ngũ quản lý các cấp và nhân viên về các quy định của pháp luật với hành vi thực hiện và tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát các vị trí nhạy cảm như điểm kiểm tra an ninh; khu vực hành lý, hàng hóa; khu vực sửa chữa, bảo dưỡng máy bay; khu vực phục vụ tập kết đồ vật, dụng cụ phục vụ trên các chuyến bay quốc tế...
Cục Hàng không Việt Nam cũng yêu cầu các hãng chỉ đạo đoàn bay, đoàn tiếp viên, các bộ phận liên quan tăng cường kiểm soát an ninh nội bộ. Các đơn vị hàng không phối hợp với các lực lượng chức năng của Bộ Công an, Tổng cục Hải quan để nắm thông tin về đối tượng, thủ đoạn buôn lậu nhằm bổ sung các biện pháp trong công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây, buôn lậu, gian lận thương mại qua đường hàng không có diễn biến phức tạp, với các phương thức, thủ đoạn tinh vi khó lường. Cơ quan chức năng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất từng bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép ngà voi, sừng tê giác, điện thoại di động, thiết bị y tế... với trị giá hàng chục tỷ đồng.