Việc khai thác cát trái phép như vậy không chỉ gây mất an ninh trật tự ở địa phương, mà còn gây nguy cơ sụt lún ảnh hưởng đến môi trường và tính mạng người dân. Nhiều ý kiến cho rằng, ngành chức năng bên cạnh việc tịch thu phương tiện, xử phạt hành chính thì cần xử lý hình sự một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng để tăng tính răn đe.
Thủ đoạn khai thác ngày càng tinh vi
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, trong 6 tháng đầu năm 2019, Công an TPHCM đã bắt giữ và xử lý 24 vụ liên quan hành vi khai thác cát trái phép, tạm giữ 22 phương tiện, xử phạt gần 80 triệu đồng; chuyển cơ quan điều tra đề nghị khởi tố 2 đối tượng về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.
Ngoài ra, Bộ đội Biên phòng TPHCM bắt giữ 35 vụ, 53 phương tiện, phạt hành chính 706 triệu đồng. Mặc dù thành phố đã triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng này, nhưng nạn khai thác cát vẫn diễn ra rất phức tạp; các đối tượng ngày càng hoạt động tinh vi và liều lĩnh hơn.
Ở khu vực các tuyến sông, tình trạng khai thác cát trái phép thường xảy ra vào ban đêm, nhất là địa bàn giáp ranh với các tỉnh như khu vực sông Sài Gòn (đoạn giáp ranh giữa huyện Củ Chi và tỉnh Bình Dương), trên sông Đồng Nai (khu vực giáp ranh giữa quận 9 và tỉnh Đồng Nai). Trong khi đó, khu vực diễn ra hoạt động khai thác cát biển trái phép phức tạp nhất là nơi giáp ranh vùng biển Cần Giờ với cồn Tây Sương (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và cồn Ngựa (tỉnh Tiền Giang).
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, việc xử lý hành vi khai thác cát trái phép gặp khó khăn. Theo quy định pháp luật, biện pháp tịch thu tang vật chỉ áp dụng được đối với những trường hợp khối lượng cát khai thác trái phép từ 50m3 trở lên, nên khi bị phát hiện, các đối tượng thường điều khiển phương tiện bỏ chạy và xả cát xuống biển nhằm tẩu tán tang vật. Việc tiếp cận và xử lý trường hợp vi phạm cũng gặp khó khăn do thời tiết diễn biến bất thường, nhất là vào ban đêm, sóng to gió lớn, đối tượng vi phạm thường bỏ chạy ngay khi bị phát hiện nên việc truy bắt rất khó khăn, nguy hiểm.
Sẽ có chế tài mạnh tay hơn
Quận 9 và huyện Cần Giờ (TPHCM) có nạn khai thác cát trái phép rất phức tạp, do đây là khu vực có vị trí giáp ranh với một số tỉnh khác. Liên quan đến nội dung này, đại diện UBND huyện Cần Giờ cho biết, dù lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, nhưng việc tiếp cận phương tiện rất khó do hầu hết ghe tàu hoạt động cách bờ 20km (giáp vùng biển Vũng Tàu, Tiền Giang), phải mất gần 2 giờ lực lượng chức năng mới ra đến nơi. Đối tượng luôn bố trí người cảnh giới, sẵn sàng chống đối khi bị kiểm tra.
Ngoài ra, hầu hết đối tượng hoạt động lúc 2 - 3 giờ sáng, khu vực lại vắng vẻ, không có nhà dân nên lực lượng kiểm tra khó có được sự hỗ trợ. Chưa kể, phương tiện tuần tra chỉ có 2 ca nô, không đủ bố trí khi mở đợt cao điểm, nên huyện phải tự trang bị thêm 2 ca nô nữa (từ đầu năm 2019 đến nay, huyện Cần Giờ đã phát hiện và xử lý 12 trường hợp với tổng số tiền phạt trên 278 triệu đồng).
Để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống khai thác cát trái phép, UBND huyện giao UBND các xã xây dựng lực lượng vệ tinh nhằm phát hiện, cung cấp thông tin về các đối tượng “cát tặc” để đoàn kiểm tra liên ngành huyện xử lý kịp thời. Đội Quản lý thị trường số 22 và Công an huyện Cần Giờ phối hợp với UBND các xã đẩy mạnh kiểm tra hóa đơn, chứng từ, truy xuất nguồn gốc cát của cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng, xử phạt nghiêm hành vi vi phạm về tiêu thụ cát khai thác trái phép trên sông Sài Gòn.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND quận 9, cho biết UBND quận đã lên kế hoạch thực hiện việc ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép ở địa phương. Theo đó, quận chủ động phối hợp với Công an TPHCM, Bộ đội Biên phòng TPHCM và các cơ quan chức năng TP Biên Hòa (Đồng Nai), huyện Tân Uyên (Bình Dương) trong công tác kiểm tra, ngăn chặn hoạt động khai thác cát trái phép.
Không dừng lại ở đó, quận cũng đã chỉ đạo công an các phường phối hợp trong công tác khảo sát, trao đổi, cung cấp thông tin để xác minh đối tượng, phương tiện quản lý trên địa bàn và phối hợp tuần tra, kiểm soát khi có yêu cầu. Đồng thời, quận cũng đã yêu cầu Đội quản lý thị trường số 9 phối hợp với các đoàn chuyên ngành kiểm tra các điểm kinh doanh, bến bãi tập kết cát trên địa bàn; kiểm tra nguồn gốc chứng từ mua bán cát. Các trường hợp mua bán, kinh doanh cát không rõ nguồn gốc số lượng lớn sẽ được chuyển qua cơ quan điều tra để phối hợp xác minh làm rõ.