Ngày 31-7, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM và Công an phường Bến Nghé (quận 1) đã ký kết tăng cường hợp tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em bị bạo hành, xâm hại tình dục.
Tại lễ ký kết, TS-BS Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, vai trò của bệnh viện không chỉ là chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho bệnh nhi mà còn phối hợp với cơ quan chức năng, bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ nhỏ. Mỗi năm, đơn vị đều tiếp nhận những trường hợp bị xâm hại tình dục hoặc bạo hành. Sau đó, thông tin đến Công an phường Bến Nghé và Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP nhằm bảo vệ quyền lợi và an toàn cho nạn nhân.
"Việc ký kết quy chế giữa 3 đơn vị sẽ giúp công tác phối hợp nhanh chóng, hiệu quả hơn, kịp thời bảo vệ đầy đủ quyền lợi của trẻ nhỏ bị bạo hành hoặc xâm hại", BS Phạm Ngọc Thạch nói.
Trung tá Nguyễn Trung Việt, Phó Trưởng Công an phường Bến Nghé (quận 1) cho biết, hầu hết trẻ bị xâm hại tình dục và bạo lực ở địa bàn khác nhưng chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 để điều trị, thăm khám. Khi tiếp nhận thông tin, Công an phường Bến Nghé lập tức làm việc với thân nhân bệnh nhi, hướng dẫn các thủ tục, quy trình để tiến hành điều tra. Gần đây nhất, các đơn vị đã phối hợp làm rõ vụ việc một bé gái dưới 14 tuổi bị xâm hại.
Theo đó, một người cha nghi ngờ con gái bị xâm hại tình dục nên liên hệ Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi Hội trưởng Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, nhờ hỗ trợ. Ngày hôm sau, kết quả giám định tại Bệnh viện Nhi đồng 2 cho thấy, trẻ có dấu hiệu bị xâm hại tình dục. Vụ việc được trình báo đến Công an phường Bến Nghé. Theo lời khai của nạn nhân, người mẹ đã nhiều lần đưa em từ quê lên TPHCM và ép quan hệ tình dục với một người đàn ông khoảng 50 tuổi. Người mẹ nhận từ 5-10 triệu đồng/lần. Chỉ sau một ngày, Công an phường Bến Nghé phối hợp với các lực lượng tiến hành truy tìm và bắt giữ người đàn ông tại một khách sạn.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ chia sẻ, suốt 10 năm qua, đơn vị đã cùng Bệnh viện Nhi đồng 2 và công an địa phương phối hợp chặt chẽ trong tiếp cận các vụ án, bảo vệ trẻ em bị xâm hại hoặc bạo hành.
Năm 2023, cả nước có trên 25 triệu trẻ em (tỷ lệ 25,5% trên tổng dân số). Trong đó có trên 1,7 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chiếm 6,8% (giảm 0,1% so với năm 2022). Mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong công tác bảo vệ trẻ em, song trong năm 2023, toàn quốc vẫn xảy ra 2.498 vụ xâm hại trẻ em. Con số này đã tăng tới 9,2% về số vụ so với năm 2022, trong đó xâm hại tình dục trẻ em chiếm 82,2%; tập trung tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (40,3%), nhất là các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng.