Trước tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị 33/CT-TTg của về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa và Quyết định 1746/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Về phía Bộ TN-MT đã ban hành Quyết định số 2395/QĐ-BTNMT gửi các địa phương, cơ quan ban ngành yêu cầu xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường công cộng, đại dương. Theo đó, tập trung vào các nhóm giải pháp xây dựng, hoàn thiện chế định quản lý chất thải rắn trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và các văn bản quy định chi tiết, theo hướng coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên.
Hiện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM đã phối hợp cùng tổ chức ASSIST hợp tác phát triển thị trường nhựa tái sinh, thuộc dự án Phát triển thị trường nhựa sau tiêu dùng. Ngoài ra, công ty cũng ký kết hợp tác “Xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế từ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn” với Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam).
Trên thực tế, trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và sẽ ký kết luôn có những điều kiện “xanh” ràng buộc. Theo đó, để có thể được hưởng thuế suất ưu đã khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường tiềm năng, khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… doanh nghiệp ngoài đảm bảo yếu tố chất lượng sản phẩm thì phải đáp ứng rào cản “xanh” trong hoạt động sản xuất.