Tác động đã rõ nét
TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung là khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của BĐKH. Trong những năm qua, dưới tác động của BĐKH, tần suất và cường độ thiên tai ở Việt Nam ngày càng gia tăng, gây nhiều tổn thất to lớn về người và tài sản, các cơ sở hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội, tác động xấu đến môi trường. Không dừng lại đó, BĐKH còn đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bởi diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp.
Trong đó, tại Việt Nam, những khu vực được xác định sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng là vùng ĐBSCL, đồng bằng sông Hồng và các vùng đất thấp đồng bằng ven biển thường xuyên bị ngập mặn. Tình trạng nước biển dâng cao và thường xuyên sẽ tác động đến sinh trưởng, năng suất cây trồng, thời vụ gieo trồng, làm tăng nguy cơ lây lan sâu bệnh hại cây; đồng thời ảnh hưởng đến sinh sản, sinh trưởng, tăng khả năng sinh bệnh, truyền dịch của gia súc, gia cầm.
Tại TPHCM, nghiên cứu của ADB cho thấy, trong những năm gần đây, nhiệt độ trung bình hàng năm ở TPHCM đã tăng gấp đôi so với ĐBSCL. Sự tăng cao về nhiệt độ ở TPHCM là trùng hợp với sự đô thị hóa tăng tốc ở đây. Sự nóng lên đáng kể đã diễn ra ở TPHCM, trong vòng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm trong mùa mưa đã tăng 20C. Nhiệt độ mặt nước dự báo tăng lên ở biển Đông sẽ làm gia tăng cường độ bão ở gần TPHCM. Các trận bão nhiệt đới được dự báo sẽ xuất hiện nhiều hơn ở phía Nam nước ta nên cũng sẽ có xác suất ảnh hưởng trực tiếp đến TPHCM nhiều hơn. Hiện TPHCM bị ảnh hưởng khoảng 10% tất cả các cơn bão vào Việt Nam.
Cũng theo ADB, ước tính thiệt hại của TPHCM do thiên tai gây ra trong 10 năm qua khoảng 202 tỷ đồng. Do các cơn bão này mang theo lượng mưa lớn, làm tăng ngập cục bộ và những đợt nước dâng trong bão dọc theo bờ biển TPHCM gây ngập nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến hạ tầng cơ sở vật chất, đường sá, giao thông, phương tiện, nhà cửa và tài sản… của người dân thành phố.
Cụ thể hóa bằng các hành động
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết, thời gian qua thành phố đã triển khai nhiều kế hoạch, chủ trương, chính sách để ứng phó với BĐKH ở nhiều mức độ và được lồng ghép vào nhiều lĩnh vực khác nhau (như quy hoạch, năng lượng, giao thông, xây dựng, quản lý chất thải, quản lý tài nguyên nước, nông nghiệp). Cụ thể, đã tuyên truyền, phổ biến những kiến thức cơ bản về BĐKH cho cán bộ công chức và cộng đồng. Đội ngũ công chức được bổ sung kiến thức về BĐKH thường xuyên, liên tục; được đào tạo ngắn hạn ở một số nước trang bị những kiến thức và tư duy mới.
Thành phố đang tích cực đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia, thông qua việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và tài nguyên trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, TPHCM đang trong quá trình xây dựng đô thị thông minh, trong đó việc giám sát tác động các chỉ số môi trường và giám sát của người dân được triển khai nhiều nơi, góp phần bảo vệ môi trường sống lành mạnh cho mọi người.
Không dừng lại đó, TPHCM đã chủ động thực hiện các giải pháp trong việc giảm phát thải khí nhà kính và cũng đã nhận lại được những kết quả khả quan. Dự án đã thực hiện kiểm kê khí nhà kính của TPHCM trong 5 lĩnh vực, bao gồm: năng lượng cố định; giao thông; chất thải; quá trình công nghiệp; sử dụng sản phẩm, nông nghiệp, rừng và sử dụng đất. Hiện tại, thành phố đang tiếp tục tham gia dự án SPI-NAMA với mục tiêu là phân tích và đề xuất các chính sách nhằm thực hiện hiệu quả kế hoạch hành động về BĐKH của thành phố, với trọng tâm là các cơ sở có mức phát thải lớn và thí điểm dự án tăng cường hiệu quả năng lượng cho tòa nhà cao tầng. Đồng thời, dự án sẽ tiếp tục thực hiện hoạt động kiểm kê khí nhà kính cấp thành phố; tiếp tục xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm tra mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho hoạt động giao thông (cảng biển) và năng lượng (tòa nhà thương mại).
Kết quả mô phỏng theo mô hình tích hợp châu Á - Thái Bình Dương (AIM) cho thấy, lượng phát thải khí nhà kính tại TPHCM vào năm 2030 sẽ tăng khoảng 2,6 lần so với năm 2016, nếu không có bất kỳ hành động giảm thiểu nào. Tuy nhiên, nếu có các hành động giảm thiểu hiệu quả, thành phố có thể giảm khoảng 20% lượng phát thải khí nhà kính, tương đương khoảng 113.000 tấn CO2 vào năm 2030.