Củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng
Báo cáo nêu rõ, trong nhiệm kỳ qua, tình hình thế giới và khu vực diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó dự báo, đặc biệt năm 2020, chúng ta gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, BCH Trung ương đã tập trung lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nỗ lực phấn đấu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XII đã đề ra và đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, đưa đất nước tiếp tục phát triển.
Đối với sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, kiểm điểm về lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, báo cáo cho hay đã triển khai đồng bộ toàn diện bài bản công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trọng tâm là kiên quyết kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII) gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhiệm kỳ vừa qua, đã lập 36 đoàn kiềm tra do các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư làm trưởng đoàn, kiểm tra đối với 110 lượt tổ chức Đảng trong việc chấp hành Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Xem xét, thi hành kỷ luật 10 tổ chức đảng và 52 cán bộ, đảng viên vi phạm, trong đó có những đồng chí giữ cương vị cao của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo chủ chốt các địa phương, đơn vị, sĩ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang; một số trường hợp phải xử lý hình sự, bảo đảm dân chủ, đoàn kết, công minh, chính xác, công khai, kịp thời, nhân văn, thấu tình đạt lý. Nhiều vụ việc khó, phức tạp, nhạy cảm, dư luận quan tâm và đơn, thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý được lãnh đạo, chỉ đạo xem xét, kết luận và xử lý nghiêm minh.
Về lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, báo cáo nêu rõ, đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, thực hiện đồng bộ giữa xử lý kỷ luật, xử lý hành chính với xử lý hình sự. Tăng cường phối hợp giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử; tạo ra sức mạnh đồng bộ để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Nhiều vụ việc, vụ án lớn, nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến một số cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý được phát hiện, xử lý nghiêm minh. Điều đó tạo dấu ấn quan trọng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Bộ Chính trị đã kỷ luật 2 Ủy viên Bộ Chính trị, 1 nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, 4 Ủy viên Trung ương Đảng, 2 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 2 Thứ trưởng Bộ Công an. Ban Bí thư thi hành kỷ luật 41 cán bộ, đảng viên, trong đó có 12 đồng chí nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng; đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương cơ sở; ngăn chặn, xử lý tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, khắc phục dần tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.
Thực sự cầu thị, lắng nghe ý kiến nhân dân
Theo đồng chí Trần Quốc Vượng, nhiệm kỳ qua, BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư là tập thể đoàn kết, thống nhất cao, bản lĩnh, trí tuệ, luôn bám sát các quan điểm, đường lối, đưa ra các quyết sách kịp thời, đúng đắn, phù hợp, giải quyết nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XII đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, có dấu ấn nổi bật, tạo tiền đề thuận lợi cho những nhiệm kỳ tiếp theo. Có thể khẳng định, những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ XII có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ tạo ra dấu ấn lớn, là điểm tựa cho những năm tiếp theo, mà còn tạo ra niềm tin, khí thế để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vững vàng vượt qua khó khăn, thử thách, tận dụng thời cơ để nước ta bước vào một thời kỳ phát triển mới.
Chỉ ra một số hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiệm kỳ XII, báo cáo cho rằng, những thiếu sót, khuyết điểm đó có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nhưng nguyên nhân quan trọng là do hoạt động, phương thức lãnh đạo của BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trên một số lĩnh vực còn hạn chế; chưa tập trung quyết liệt trong lãnh đạo tổ chức thực hiện nghị quyết; trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong một số lĩnh vực, địa phương chưa rõ... BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xin nghiêm túc tự phê bình trước Đại hội và toàn Đảng, toàn dân về những khuyết điểm, thiếu sót nêu trên.
Trong số các bài học kinh nghiệm, báo cáo nhấn mạnh đến việc chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Đổi mới phương thức lãnh đạo và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng. Thường xuyên củng cố, tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, hệ thống chính trị, trước hết là trong BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Phát huy dân chủ trong Đảng, trong xã hội; bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng và đồng thuận cao trong xã hội. Tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân; thực sự cầu thị, lắng nghe ý kiến nhân dân, tăng cường phát huy khối đại đoàn kết, sức mạnh toàn dân tộc.