Một mặt hàng nhưng nhiều giá
Chỉ cần gõ trên Google cụm từ “khẩu trang, đồ bảo hộ chống dịch Covid-19” đã cho ra gần 38 triệu kết quả trong 0,51 giây, bởi đây là những mặt hàng được người dân cực kỳ quan tâm. Cùng mặt hàng, nhưng giá bán khẩu trang y tế có thể chênh nhau 50.000-100.000 đồng/hộp. Với combo quần áo bảo hộ phòng chống dịch (áo liền quần, kính, găng tay, vớ chân, khẩu trang y tế), mức giá chênh nhau khoảng 40.000 đồng/bộ.
Tại một địa chỉ Facebook chuyên về đồ bảo hộ phòng dịch bán 150.000 đồng/bộ nếu khách mua 10 bộ trở lên, giá lẻ 160.000 đồng/bộ. Trong khi một điểm bán khác tên L.T., giá lẻ 200.000 đồng/bộ, giá sỉ 190.000 đồng/bộ, dù rằng cả 2 địa chỉ bán hàng đều cam kết sản phẩm chính hãng, có hóa đơn chứng từ đầy đủ. Điều khiến mặt hàng này được quan tâm do chất liệu bộ đồ dễ dàng phân hủy trong môi trường, vải mềm, nhẹ, thoáng mát... Đối với nón chống giọt bắn được chào bán ở mức 80.000-200.000 đồng/chiếc, tùy nơi bán. Các loại thẻ diệt virus, vi khuẩn (đeo trên cổ, trên áo, ba lô...) quảng cáo có khả năng ngăn ngừa dịch Covid-19 bán tràn lan, giá 150.000-400.000 đồng/chiếc, dù cơ quan chức năng đã vào cuộc cảnh báo người mua đó chỉ là trò lường gạt.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, từ cuối tháng 1 đến nay, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra, giám sát hơn 6.783 cơ sở, đã xử phạt vi phạm hành chính số tiền trên 2,5 tỷ đồng. Các vi phạm nhiều nhất là sản xuất, kinh doanh hàng hóa trôi nổi (khẩu trang y tế, gel rửa tay không ghi đủ nội dung bắt buộc); hàng hóa có dấu hiệu giả mạo thương hiệu nổi tiếng thế giới... Trên địa bàn TPHCM, QLTT TP mới đây phát hiện 1.800 chai gel rửa tay khô hiệu Jakoco tại Công ty TNHH Dược Mỹ phẩm Nhật Hàn (đường Lê Văn Quới, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) có nhãn ghi không đủ nội dung bắt buộc.
Cách nay vài ngày, Tổ công tác 368 về thương mại điện tử thuộc Tổng cục QLTT phối hợp với Đội 3 Cục QLTT TPHCM cùng các cơ quan chuyên trách kiểm tra chuỗi cửa hàng mỹ phẩm Ansan Cosmetics tại TPHCM. Ghi nhận ban đầu, cơ quan chức năng nghi ngờ nhiều sản phẩm bày bán tại đây giả mạo các thương hiệu nổi tiếng như Vichy, L’oreal, Innisfree, Estee Lauder, Shiseido... Một lãnh đạo Tổ công tác 368 thông tin, xuất phát từ các dấu hiệu nghi ngờ gian thương kinh doanh hàng hóa kém chất lượng trên internet (Facebook, website thương mại điện tử...) nên lực lượng chức năng tiến hành rà soát, kiểm tra.
Bà Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, cho rằng, hiện nay kinh doanh trực tuyến vẫn đang là “mảnh đất” tốt cho các đối tượng gian thương bán hàng giả, hàng kém chất lượng, thậm chí hàng cấm... Tuy vậy, việc kiểm tra, xử phạt không dễ vì người tiêu dùng “tiện đâu mua đó”, còn doanh nghiệp chính hãng lại sợ ảnh hưởng uy tín, thương hiệu nên không dám lên tiếng. Ở góc độ người mua hàng, nên tránh tâm lý đám đông, mua hàng trôi nổi, không rõ chất lượng, uy tín. Đối với cơ quan chuyên trách (QLTT, công an kinh tế...) cần kiểm tra thường xuyên các hoạt động kinh doanh trên mạng internet, đưa ra ánh sáng các vụ găm hàng, bán hàng kém chất lượng gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.
Thông tin từ Vụ Thị trường trong nước, các doanh nghiệp phân phối như Saigon Co.op, BigC, Vincommerce (Vinmart, Vinmart+), BRG Retail, MM Mega Market dự kiến cung ứng ra thị trường từ ngày 15-3 đến 31-3 hơn 23 triệu chiếc khẩu trang các loại; kế hoạch từ ngày 31-3 đến 15-4-2020, dự kiến sẽ cung ứng ra thị trường gần 9 triệu chiếc để đáp ứng nhu cầu người dân trong bối cảnh bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng. |