Đẩy mạnh cơ chế tự kiểm tra, giám sát
Từ đầu năm 2024 đến nay, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Thành ủy TPHCM đã chủ động tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM sớm xây dựng, ban hành chương trình kiểm tra, giám sát năm 2024 của Ban Thường vụ Thành ủy, UBKT Thành ủy TPHCM. Đồng thời, chỉ đạo UBKT cấp ủy trực thuộc Thành ủy triển khai, thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát năm 2024 theo hướng có trọng tâm, trọng điểm.
Mặt khác, UBKT Thành ủy chủ trì, phối hợp cùng Thường trực HĐND TPHCM, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, Thanh tra TPHCM tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM trong công tác kiểm tra, giám sát nhằm tránh trùng lắp về nội dung, đối tượng và thời gian, không để ảnh hưởng đến hoạt động thường xuyên của địa phương, đơn vị.
Cùng với đó, tăng cường tổ chức giám sát chuyên đề, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với những địa phương, đơn vị có nhiều thông tin phản ánh, những lĩnh vực dễ phát sinh sai phạm; xem xét, thi hành kỷ luật nghiêm minh các trường hợp vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước; tiếp tục phối hợp tốt với cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án để tiếp nhận thông tin, kiểm tra, làm rõ, xử lý đối với nhiều trường hợp đảng viên vi phạm pháp luật.
Từ thực tiễn công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng của Đảng bộ TPHCM và trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, UBKT Thành ủy TPHCM đã chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM xây dựng và ban hành Quy định 1793-QĐ/TU ngày 1-2-2024 về chế độ tự kiểm tra, giám sát nhằm phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm của tổ chức Đảng, đảng viên. Theo đó, việc tự kiểm tra, giám sát của cấp ủy phải thực hiện định kỳ, thường xuyên và đảm bảo kết quả được báo cáo bằng văn bản trong các cuộc họp Ban Thường vụ cấp ủy hàng quý, cũng như tại hội nghị cấp ủy định kỳ 6 tháng và hàng năm.
Các tổ chức Đảng, đảng viên trong báo cáo tự kiểm tra, giám sát phải nêu rõ những việc làm được, những việc chưa làm được, vi phạm (nếu có), nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan và trách nhiệm của tập thể, cá nhân, cùng với đó là đề xuất giải pháp khắc phục kịp thời. Các kết luận sau kiểm tra, giám sát phải được xây dựng kế hoạch khắc phục hạn chế, khuyết điểm và có báo cáo tiến độ khắc phục.
Thông qua việc thực hiện cơ chế này, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong việc rà soát các hoạt động của Đảng bộ TPHCM, nhất là những công việc dễ phát sinh tiêu cực, sai phạm hoặc những vấn đề bức xúc, nổi cộm. Đặc biệt, cơ chế này giúp Thành ủy có thể chấn chỉnh, khắc phục, xử lý kịp thời theo quy định, đồng thời đôn đốc các tổ chức Đảng và đơn vị được phân công nhiệm vụ nhưng còn chậm trễ trong việc thực hiện.
Bồi dưỡng cán bộ kiểm tra, giám sát
Cùng với việc khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, công tác bồi dưỡng cán bộ làm công tác kiểm tra cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một đội ngũ cán bộ đủ sức đáp ứng yêu cầu của công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng. Đặc biệt, khi TPHCM đang triển khai các nhiệm vụ lớn, việc đào tạo cán bộ không chỉ tập trung vào nâng cao năng lực chuyên môn mà còn chú trọng đạo đức, phẩm chất chính trị.
Do đó, các cấp ủy Đảng tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra chuyên trách của UBKT các cấp trực thuộc Đảng bộ TPHCM. Cấp ủy Đảng các cấp nhận thức đầy đủ, tăng cường hơn nữa công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ kiểm tra, bắt đầu từ đầu vào, tiếp theo là gắn với đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng đúng cán bộ, có chế độ, chính sách cụ thể.
Trong năm 2024, đã cử 17 cán bộ kiểm tra tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên đề, 35 đồng chí tham gia lớp kiểm tra viên, 29 đồng chí tham gia lớp kiểm tra viên chính, 5 đồng chí tham gia lớp kiểm tra viên cao cấp. Song song đó, UBKT Thành ủy TPHCM tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề và các khóa tập huấn về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Qua đó, không chỉ giúp nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ mà còn giới thiệu các kinh nghiệm, cách làm hiệu quả trong công tác kiểm tra, giám sát. Đồng thời, nhiều khuyết điểm, vi phạm đã được chỉ ra để các cấp ủy và UBKT cấp dưới rút kinh nghiệm, điều chỉnh kịp thời.
Cùng với đó, công tác luân chuyển cán bộ ngành Kiểm tra Đảng được chú trọng nhằm tạo điều kiện cho cán bộ thử thách, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn. Đẩy mạnh việc luân chuyển cán bộ kiểm tra sang công tác ở các đơn vị thanh tra, điều tra... và luân chuyển ngược lại, cũng như luân chuyển trong nội bộ để đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ kiểm tra đảm bảo tính liên tục, kế thừa.
Đồng thời, công tác đào tạo, bồi dưỡng luôn chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp. Từ tình hình thực tiễn, những lĩnh vực trọng tâm cần tiến hành kiểm tra, giám sát hàng năm để xây dựng các nội dung chuyên đề bồi dưỡng, tập huấn, hướng tới mục tiêu đào tạo cán bộ có chiều sâu, mang tính chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Nghiên cứu, xây dựng chính sách thu hút những người có đủ đức, đủ tài, có tâm huyết, bản lĩnh để làm công tác kiểm tra, giám sát. Quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy kiểm tra từ thành phố đến cơ sở nhằm đảm bảo hoạt động kiểm tra, giám sát có hiệu lực, hiệu quả.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ: Đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp; là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp; có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng ta vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”. Nhận thức sâu sắc chỉ đạo này, UBKT Thành ủy TPHCM tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát để phòng ngừa và phát hiện kịp thời các hành vi lãng phí, sử dụng không hiệu quả các nguồn lực.
Việc chống lãng phí cần được thực hiện đồng bộ với phòng, chống tham nhũng, tạo ra một môi trường minh bạch, công bằng trong quản lý và sử dụng tài sản công. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, kiến nghị sửa đổi quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo hướng tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho giám sát, kiểm tra, phát hiện, xử lý mạnh, có tính răn đe cao đối với các hành vi lãng phí. Cùng với đó, tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM sớm ban hành quy định vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống lãng phí.
TRẦN KIM YẾN
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm UBKT Thành ủy TPHCM