Chia sẻ những giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ trong thời gian qua, ông Bùi Quang Hải, Giám đốc Sở Công Thương TP Hải Phòng đề xuất, cần xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghiệp hỗ trợ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên kết, kết nối, hợp tác đầu tư. Bên cạnh đó, Sở Công thương giữ vai trò kết nối hợp tác sản xuất giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn, nhất là các doanh nghiệp Việt Nam.
Còn ông Christopher Valoon, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Đà Nẵng (AmCham Đà Nẵng) lưu ý, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực đủ trình độ đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Bởi một trong những khó khăn của doanh nghiệp FDI hiện nay đó là có một khoảng chênh lệch giữa trình độ đào tạo cho sinh viên Việt Nam với yêu cầu thực tế trong hoạt động của doanh nghiệp FDI nói riêng, quốc tế nói chung.
Để việc kết nối hiệu quả, ông Đỗ Minh Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Cơ khí, Công nghiệp hỗ trợ Trường Hải (thành viên Thaco Group) nhìn nhận, những doanh nghiệp đầu đàn đã tham gia được chuỗi cung ứng sẽ đóng vai trò kết nối chia sẻ về công nghệ, quản trị và đơn hàng để giúp cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội từng bước tham gia vào chuỗi giá trị (nhà cung cấp cấp 2,3), từng bước trở thành nhà cung cấp lớn hơn cho các đối tác. Để làm được điều này cần có vai trò, bệ đỡ rất lớn của các chính sách, nhất là vai trò của Bộ Công thương, Sở Công thương các địa phương.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thanh Quang, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam, cơ sở hạ tầng là một trong những yếu tố thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Từ khi có sự hình thành Khu kinh tế mở Chu Lai và các khu công nghiệp trên địa bàn Quảng Nam đã thúc đẩy công nghiệp phát triển mạnh mẽ. Tới nay, tỉnh này đã huy động được 10 tỷ USD vốn đầu tư. Nhờ đó, nền kinh tế địa phương tăng trưởng bình quân 12,5%/năm, tổng thu ngân sách tăng bốn lần so với 10 năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo là then chốt, mũi nhọn của tỉnh với 1.050 doanh nghiệp chế biến chế tạo.
Đồng tình với quan điểm của ông Quang, ông Phan Duy Phương, Phó Giám đốc Công ty Phương Quân U&I Đà Nẵng đề nghị quan tâm bố trí để doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp nói chung, công nghiệp hỗ trợ nói riêng sớm có mặt bằng sản xuất ổn định.
Ghi nhận các kiến nghị, ý kiến từ phía các doanh nghiệp, đơn vị, địa phương, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đi sau vì vậy so với các doanh nghiệp FDI thì năng lực cạnh tranh còn hạn chế.
Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp Việt Nam đạt được các tiêu chuẩn, chất lượng, giá cả thì đề nghị các doanh nghiệp FDI sẽ sử dụng linh kiện, sản phẩm Việt Nam. Bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải khẳng định được chất lượng, giá cả sản phẩm của mình – đây là một trong những vấn đề khó khăn nhất của doanh nghiệp Việt.