Nhiều DN tham dự cho rằng, đây là cơ hội tiếp cận với các đối tác trong và ngoài nước, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng lực cung ứng sản phẩm để từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhiều rào cản…
Phân tích về cơ hội phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT), bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công thương (VIOIT) cho biết, dung lượng thị trường cho ngành CNHT tại Việt Nam rất lớn. Hai ngành được dự báo sẽ cần cung ứng rất nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới là sản xuất ô tô và điện - điện tử.
Trong lĩnh vực cung ứng sản phẩm hỗ trợ ngành ô tô, tính cho đến nay, Việt Nam có hơn 20 DN lắp ráp nhưng DN cung ứng cấp 1 chỉ có 84 DN và 145 DN cung ứng cấp 2, 3. Trong khi đó, Thái Lan chỉ có 16 DN lắp ráp ô tô hoàn chỉnh nhưng có đến 690 DN cung ứng cấp 1 và 1.700 DN cung ứng cấp 2, 3. Điều này cho thấy, DN cung ứng CNHT của Việt Nam còn rất ít so với nhu cầu.
Riêng đối với lĩnh vực điện - điện tử, số liệu thống kê từ năm 2005 đến nay cho thấy, DN cung ứng sản phẩm hỗ trợ đã tăng từ 256 DN lên hơn 1.000 DN. Tuy nhiên, dù được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn và đạt được một số thành tựu trong thu hút đầu tư FDI, đóng vai trò lớn cho xuất khẩu nhưng thực tế ngành điện - điện tử Việt Nam vẫn đang dừng lại ở giai đoạn đầu của chuỗi cung ứng sản xuất sản phẩm điện tử.
Cùng quan điểm này, bà Trương Thị Chí Bình, Tổng thư ký Hiệp hội DN CNHT cho biết, khảo sát về khả năng cung ứng linh kiện công nghiệp hỗ trợ như nhựa, cao su, điện - điện tử cho thấy hơn 90% là nhập khẩu. Đặc biệt, với linh kiện điện - điện tử, tỷ lệ nhập khẩu lên đến 94%, thậm chí có những dòng linh kiện điện - điện tử có tỷ lệ nhập khẩu lên đến 100%.
Tuy nhiên, để có thể đáp ứng được yêu cầu cung ứng sản phẩm hỗ trợ cho các DN đầu cuối không phải dễ. Ông Nguyễn Dương Hiệu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp và Thương mại Lidovit cho rằng, nguyên nhân là do năng lực nội tại của DN nội chưa đáp ứng yêu cầu, thiết bị công nghệ, quản trị, nhân lực, hệ thống kiểm soát kém… Nhưng mặt khác, DN nước ngoài chưa thực sự gắn kết với DN cung ứng sản phẩm hỗ trợ trong nước. Họ thường sử dụng nhà cung ứng trong chuỗi vì chất lượng ổn định, giá cạnh tranh.
DN nội phải chủ động
Cải thiện năng lực sản xuất, đáp ứng yêu cầu của DN đầu cuối là yếu tố bắt buộc để DN CNHT có thể tồn tại và tham gia bền vững chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh còn yếu về năng lực sản xuất, tài chính, quy mô thì có thể chấp nhận nhập khẩu sản phẩm hỗ trợ cung ứng cho DN đầu cuối. Về lâu dài, khi dung lượng thị trường đủ lớn thì DN nội phải từng bước cải thiện năng lực sản xuất để tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Ngoài việc tham gia thị trường nội địa, đại diện Bộ Công thương khuyến cáo, DN nội địa cần tranh thủ tìm kiếm thị trường nước ngoài. Trên thực tế, có những sản phẩm CNHT trong nước không đáp ứng yêu cầu thị trường nội địa nhưng có thể tham gia nhiều phân khúc khác ở thị trường thế giới. Vấn đề còn lại là DN cần phải chuẩn hóa các yêu cầu về hàm lượng hóa chất, tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn của sản phẩm (yêu cầu bắt buộc); hệ thống quản lý chất lượng, môi trường, năng lượng, các công cụ quản lý chất lượng. Bên cạnh đó, DN cần phải có chiến lược phát triển dài hạn, chủ động kết nối DN đầu cuối.
Hiện Chính phủ đã ban hành chương trình kết hợp bố trí vốn vay với lãi suất ưu đãi cho DN CNHT. Bộ Công thương đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước phát triển chương trình nhà cung cấp. Theo đó, những DN cung cấp sản phẩm hỗ trợ sẽ được DN đầu cuối hỗ trợ trực tiếp nhằm nâng cao năng lực quản lý, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản xuất, từng bước đạt tiêu chuẩn toàn cầu.
Ghi nhận việc DN cần xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin để tạo thuận lợi cho hoạt động kết nối giữa DN FDI và DN CNHT, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, sở đã xây dựng dữ liệu DN CNHT được hơn 1 năm và đã thu thập được thông tin của hơn 500 DN.
Trong thời gian tới, sở sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu để tạo cơ hội cho DN nội tham gia sâu hơn và bền vững hơn trong chuỗi cung ứng sản phẩm hỗ trợ toàn cầu. Về phía DN, ông Đông cũng đề nghị cần chủ động hơn trong việc cung cấp thông tin hoạt động cho cơ quan chức năng.
Riêng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, VCCI thiết lập liên minh DN sản xuất CNHT để thúc đẩy kết nối cung cầu giữa các DN đầu cuối và DN trong nước trong thời gian tới.