Chủ trì hội thảo có Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S.
Với chủ đề “Tăng trưởng xanh, kết nối thị trường cung cầu – Giải pháp thúc đẩy phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, đại diện nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ các câu chuyện khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp. Mục đích tăng cường liên kết vùng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, kết nối thị trường, quảng bá trưng bày sản phẩm, xây dựng chuỗi giá trị liên kết vững mạnh thị trường trong nước.
Tại hội thảo, các khách mời tham gia giao lưu, tư vấn và chia sẻ kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp, từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp xanh bền vững trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, chia sẻ một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại TPHCM, trong đó có các chính sách đặc thù về quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo theo Nghị Quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
"Phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền các địa phương, giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, giữa vùng nguyên liệu và nhà máy, giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan
Ngoài ra, hội thảo còn kết nối cung cầu thị trường cho các sản phẩm của doanh nghiệp, thông qua những chia sẻ thực tế của lãnh đạo các doanh nghiệp, quỹ đầu tư…
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Sài Gòn Co.op chia sẻ: “Cần có thay đổi quy trình trong sản xuất. Bản thân Sài Gòn Co.op tập trung nhiều đối với giảm thiểu rác thải độc hại ra môi trường, gây hiệu ứng nhà kính. Cụ thể, Sài Gòn Co.op đã tập trung phát triển các loại bao bì tự phân hủy, những sản phẩm có tác động môi trường cũng được đơn vị loại bỏ khỏi hệ thống như ống hút nhựa dùng một lần. Điều này thúc đẩy các sản phẩm từ các hợp tác xã, nơi sản xuất phát triển xu hướng tương tự, giảm thiểu rác thải ra môi trường”.
Đại diện Sài Gòn Co.op cũng đề xuất, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên cần quy hoạch lại nguồn nguyên liệu cho từng sản phẩm, phân công rõ ràng. Hình thành các đầu mối thu mua, hợp tác tại các vùng. Đồng thời, kiến nghị cho phép phát triển hệ thống thu mua tại mỗi địa phương để cung ứng hàng hóa khoa học hơn.
Thông qua hội thảo, các doanh nghiệp khởi nghiệp được học hỏi thêm kinh nghiệm về kinh doanh, có cơ hội tiếp cận các nguồn lực, quỹ đầu tư và hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp lớn, kết nối, gắn kết thị trường; góp phần xây dựng, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho rằng, các ý kiến tham dự tại hội thảo và hoạt động bên lề sẽ mở ra nhiều chương trình hợp tác. Tỉnh Lâm Đồng đánh giá cao các đối tác liên kết tại TPHCM thời gian qua đã hỗ trợ, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất giúp sản phẩm của người dân trên địa bàn thuận lợi trong tiếp cận thị trường. Tỉnh Lâm Đồng nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung sẽ tiếp tục thực hiện các nội dung đã được đề cập trong cuộc hội thảo.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh: “Doanh nghiệp phải tiên phong trong đóng góp đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh. Từng tỉnh coi tăng trưởng xanh là yếu tố quan trọng phát triển trong tương lai. TPHCM với tư cách là trung tâm kinh tế của vùng cũng như cả nước, hơn 50% tổ chức, doanh nghiệp sáng tạo của cả nước. Với điều kiện như trên sẽ nỗ lực hơn nữa hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thành phố, cùng các địa phương tổ chức nhiều hoạt động cụ thể, phát huy nguồn lực trong đổi mới sáng tạo”.
Bên lề hội thảo, các mô hình, sản phẩm nông nghiệp xanh từ các doanh nghiệp cũng được giới thiệu, tạo cầu nối giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng, kết nối các thị trường tiêu thụ với hệ thống phân phối.