Hội nghị quy tụ lãnh đạo chính phủ và các bộ ngành đến từ 5 quốc gia ASEAN (Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam), nhằm chia sẻ và trao đổi ý tưởng, tìm kiếm cơ hội phát triển ở các nước Đông Nam Á và tăng cường kết nối hệ sinh thái công nghệ giữa Trung Quốc và các nước ASEAN.
ASEAN là một trong những đối tác thương mại lớn của Bắc Kinh. Năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu Trung Quốc - ASEAN khoảng 34,9 tỷ USD, sau Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.
Chính quyền TP Bắc Kinh cho biết, Bắc Kinh có lợi thế sâu rộng trong các lĩnh vực sản xuất thông minh, năng lượng mới, y học…; mong muốn tăng cường kết nối các ngành công nghiệp với các nước ASEAN, thúc đẩy hội nhập sâu rộng giữa hai bên trong các lĩnh vực chuỗi công nghiệp, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị…; đồng thời phối hợp cùng xây dựng một cụm công nghiệp có khả năng cạnh tranh quốc tế.
Trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung đang diễn ra, Trung Quốc nhận ra tầm quan trọng của quan hệ đối tác toàn cầu và đã chuyển trọng tâm sang các nước, thông qua chính sách “ngoại giao láng giềng”.
ASEAN đã nổi lên như một đối tác chiến lược quan trọng của Trung Quốc. Lợi thế gần gũi về địa lý và văn hóa của ASEAN với Trung Quốc, dân số ngày càng tăng và nền kinh tế sôi động là những đặc điểm chính tạo nên sức hấp dẫn của khối này đối với Trung Quốc.
Hơn nữa, từ năm 2013, với việc khởi động Sáng kiến vành đai và con đường (BRI), vốn là nền tảng cho sự vươn ra toàn cầu của Trung Quốc, nước này đã ưu tiên khu vực Đông Nam Á và thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn.
Sau đó, Con đường tơ lụa kỹ thuật số, như một phần mở rộng của BRI, thể hiện tầm nhìn của Trung Quốc nhằm mở rộng sức mạnh công nghệ và kỹ thuật số ra ngoài biên giới, tập trung cụ thể vào Đông Nam Á.