Thúc đẩy đầu tư vào an ninh lương thực
Trên cương vị Chủ tịch luân phiên G20, Italy đã tổ chức hội nghị trực tiếp G20 sau gần 2 năm gián đoạn, tập trung vào thúc đẩy hợp tác và khôi phục kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19 cũng như thúc đẩy phát triển bền vững ở châu Phi. Phát biểu trước những người đồng cấp, Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio nhấn mạnh: “Đại dịch Covid-19 cho thấy rõ sự cần thiết phải có phản ứng quốc tế đối với các tình huống khẩn cấp, vượt qua ngoài các biên giới quốc gia”.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 29-6 sau hội nghị, các bộ trưởng G20 kêu gọi toàn thể cộng đồng quốc tế xây dựng các chuỗi lương thực đồng đều và vững chắc để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho mọi người, hướng tới mục tiêu đến năm 2030 “không còn nạn đói” như đã đề ra trong các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc. Theo đó, G20 cam kết phối hợp với các nước đang phát triển thúc đẩy đầu tư cho an ninh lương thực, dinh dưỡng và các hệ thống lương thực bền vững trong khuôn khổ các biện pháp ứng phó khẩn cấp với đại dịch Covid-19, cũng như các kế hoạch phục hồi quốc gia dài hạn hơn. Đồng thời, nhất trí duy trì thương mại thực phẩm minh bạch và không phân biệt đối xử, theo đúng quy định của Tổ chức Thương mại thế giới. Tuyên bố cũng đưa ra cảnh báo, thế giới đang đi “không đúng hướng” trong tiến trình hướng tới mục tiêu thanh toán nạn đói vào năm 2030; cho rằng với xu hướng hiện nay, số người bị ảnh hưởng bởi nạn đói sẽ vượt 840 triệu người vào năm 2030, chưa tính đến khoảng 100 triệu người bị tác động từ đại dịch Covid-19 khiến mất việc làm và thu nhập, dẫn đến hậu quả về an ninh lương thực.
Các bộ trưởng G20 nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng các cách thức phối hợp ứng phó đối với các thách thức lớn toàn cầu như: phục hồi sau đại dịch, thương mại quốc tế, hành động chống biến đổi khí hậu cũng như chuyển đổi xanh và kỹ thuật số.
Đẩy mạnh san sẻ vaccine
Hãng tin AP dẫn nhận định của Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio cho rằng: “Trong một thế giới liên kết, chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế là những công cụ hữu hiệu duy nhất để đối mặt với những thách thức toàn cầu. Chúng ta đã có một ví dụ về điều đó với việc phân phối vaccine Covid-19”.
Theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken: “Để chấm dứt đại dịch, chúng ta phải đưa thêm vaccine đến nhiều nơi hơn. Hợp tác đa phương sẽ là chìa khóa để ngăn chặn cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu này”. Ông Blinken nhân dịp này đã quảng bá những đóng góp của Mỹ cho Cơ chế tiếp cận toàn cầu với vaccine Covid-19 (COVAX) bao gồm khoảng 500 triệu liều Pfizer và 80 triệu liều vaccine khác. Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi cũng nêu bật những đóng góp của Nhật Bản trong chương trình tiêm chủng toàn cầu, trong đó có chương trình COVAX.
Các quốc gia giàu có đang có tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 rất cao, ngược lại các quốc gia nghèo, đặc biệt là châu Phi, đang tuyệt vọng trong việc tiếp cận nhận nguồn cung vaccine Covid-19. Chỉ một phần nhỏ người dân các nước nghèo được tiêm. Cho đến nay, khoảng 3 tỷ liều vaccine Covid-19 đã được triển khai trên toàn thế giới nhưng con số ở từng khu vực có sự khác biệt lớn. Tại châu Phi, chưa tới 1% số dân được tiêm chủng mũi 1 trong khi con số này ở Mỹ là 46,3% (tiêm mũi 2) và 55% (tiêm mũi 1). Con số tương ứng tại Liên minh châu Âu (EU) lần lượt là 31,5% và 49,6%.
Các nhà khoa học và nhiều nhà lãnh đạo chính trị tại G20 cảnh báo, thế giới không thể kiểm soát đại dịch Covid-19 một cách hiệu quả trừ khi tất cả quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng đáng kể. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng, điều cốt lõi hiện nay là nhanh chóng tìm phương cách hiệu quả để các quốc gia, khu vực như châu Phi có thể nhận được vaccine Covid-19 một cách nhanh chóng hơn.