Theo ông Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, bên cạnh phòng, chống di cư trái phép và mua bán người, Tiến trình Bali nên cân nhắc đưa các biện pháp thúc đẩy di cư an toàn, hợp pháp và chiến lược hợp tác trong thời gian tới. Điều này cũng phù hợp với cam kết của Tiến trình là tăng cường tham gia hơn nữa các cơ chế hợp tác khu vực và đa phương, ví dụ như ASEAN, Diễn đàn toàn cầu về Di cư và phát triển.
Sự kiện này càng có ý nghĩa đặc biệt đối với Việt Nam khi chúng ta đã thông qua Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Thỏa thuận GCM) vào tháng 12-2018, với cam kết tăng cường hợp tác quốc tế nhằm quản lý di cư hiệu quả vì mục tiêu phát triển.
Ngoài ra, Hội nghị cũng góp phần nâng cao nhận thức chung của tất cả các cơ quan liên quan, trong quá trình tham gia xây dựng Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM do Bộ Ngoại giao chủ trì dự thảo.
Tiến trình Bali gồm 49 thành viên, bao gồm cả Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), Tổ chức di cư quốc tế (IOM), Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC) và 27 quan sát viên.
Trong số các tiến trình đa phương về di cư, Tiến trình Bali được thừa nhận là hình mẫu hợp tác khu vực thành công về phòng, chống đưa người di cư trái phép và mua bán người.
Trong quá trình hình thành và phát triển, Tiến trình Bali đã thiết lập nhiều cơ chế hợp tác, làm việc, trong đó có Nhóm công tác (được thành lập năm 2009) nhằm xây dựng và thúc đẩy các biện pháp thực tiễn, góp phần tăng cường hợp tác giải quyết nạn đưa người di cư trái phép, mua bán người và tội phạm xuyên quốc gia.
Việt Nam vừa là nước gốc, vừa là nước đến của người di cư. Việt Nam chủ trương thúc đẩy di cư hợp pháp, kiên quyết đấu tranh phòng, chống di cư trái phép và mua bán người. Là nước tham gia Tiến trình Bali ngay từ ngày đầu được mời là thành viên Nhóm công tác của Tiến trình Bali, Việt Nam thường xuyên tham gia các nhóm làm việc về phòng, chống mua bán người, trấn áp triệt phá mạng lưới mua bán người và đưa người di cư trái phép.