Đặc biệt, tham dự đối thoại lần này còn có Thủ hiến các bang Đông Bắc Ấn Độ nhằm thúc đẩy quan hệ của khu vực này với ASEAN.
Chính sách Hành động phương Đông
Đối thoại Delhi đã tập trung thảo luận các vấn đề như vai trò của các tỉnh Đông Bắc Ấn Độ trong hợp tác kết nối với các nước ASEAN; nhu cầu củng cố, tăng cường mối liên kết văn hóa - xã hội từ lâu đời giữa hai khu vực; trao đổi về trật tự thế giới đang định hình và quan hệ đối tác ASEAN - Ấn Độ; vai trò của hợp tác biển trong hợp tác hai bên...
Phát biểu khai mạc, Bí thư phương Đông, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách ASEAN của Ấn Độ, bà Preeti Saran nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại trong việc hoạch định chính sách, thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Ấn Độ; khẳng định Ấn Độ rất coi trọng vai trò của ASEAN, coi ASEAN có vai trò trung tâm trong chính sách “Hành động phương Đông” và “Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của Ấn Độ.
Đồng thời bà Saran cho biết, mục tiêu của Đối thoại lần này là tập trung vào việc thúc đẩy hợp tác biển giữa hai bên, lĩnh vực được các nhà lãnh đạo hai bên xác định là ưu tiên tại Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 25 năm quan hệ ASEAN - Ấn Độ.
Phát biểu tại Đối thoại, Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, cho rằng liên kết biển càng có vai trò quan trọng, các tuyến đường vận tải biển qua ASEAN và Ấn Độ ngày càng đóng vai trò là những dòng chảy chính của thương mại quốc tế. Hợp tác biển mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng tồn tại những thách thức mà hai bên cần hợp tác giải quyết. Bảo tồn môi trường biển song song với phát triển kinh tế cũng cần được coi trọng do tài nguyên biển không phải là vô hạn.
Trưởng đoàn Việt Nam cùng các nước ASEAN và Ấn Độ cũng nhấn mạnh nhu cầu đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải là điều kiện tiên quyết để ASEAN và Ấn Độ cùng phát triển kinh tế biển; trong đó các nước cần đảm bảo các nguyên tắc về tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), đồng thời tăng cường hợp tác giải quyết các thách thức xuyên quốc gia như cướp biển, buôn bán người, vũ khí và ma túy.
Đề cao vai trò hợp tác hàng hải
Mô tả hợp tác hàng hải như là một mối quan hệ quan trọng trong quan hệ Ấn Độ - ASEAN, Quốc vụ khanh Ấn Độ VK Singh cho biết điều này sẽ định hình tương lai của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và giúp đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực chiến lược. Theo India TV News, phát biểu tại phiên họp toàn thể của Đối thoại Delhi, ông VK Singh cho rằng chính sách mới “Hành động phương Đông” của Ấn Độ đặt mục tiêu cụ thể cho quan hệ hợp tác ASEAN - Ấn Độ hơn là chính sách “Hướng Đông” trước đó.
Đề cập đến hợp tác hàng hải Ấn Độ - ASEAN, ông Singh nói: “Chúng tôi tin tưởng rằng sự hợp tác này sẽ định hình cho tương lai của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đây là chìa khóa để mở ra sự thịnh vượng chung cho người dân của hai bên và tạo ra các vùng biển an toàn và tự do cho tất cả các nước”.
Ấn Độ có mối quan hệ hợp tác hàng hải mạnh mẽ với một số nước ASEAN như Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Singapore.
Báo The Straits Times dẫn lời Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan khẳng định Singapore “kiên quyết phản đối” bất kỳ nỗ lực nào nhằm hạn chế quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, theo đó ủng hộ mạnh mẽ một trật tự thế giới dựa trên các quy tắc, duy trì quyền và chủ quyền của tất cả các nước, bình đẳng và luôn tuân thủ nguyên tắc giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình mà không phải dùng đến vũ lực.