Do đó, trong bối cảnh hiện nay, việc tăng cường hợp tác công - tư được xem là giải pháp khả thi để đánh thức tiềm năng năng lượng xanh ở Việt Nam.
Cơ hội thu hút FDI
Cơ hội thu hút FDI
Theo Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, quy hoạch điện 7 (hiệu chỉnh), đến năm 2020, mỗi năm Việt Nam phải xây dựng thêm nguồn điện từ năng lượng tái tạo với công suất khoảng 200MW; từ năm 2020- 2025, mỗi năm phải lắp hơn 600MW và 5 năm tiếp theo mỗi năm phải lắp đặt 1.600MW mới đạt kế hoạch đề ra. Đây là thách thức nhưng cũng là thị trường rộng lớn cho các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Liên quan đến vấn đề này, ông Chiu Hui Li, đại diện của Trung tâm Thương mại Đài Loan tại TPHCM (TAITRA), nhận định: “Việt Nam đang phấn đấu đạt mục tiêu tự cung tự cấp năng lượng vào năm 2050. Điều này mở ra nhiều triển vọng cho các nhà sản xuất năng lượng xanh”. Cũng theo ông Chiu Hui Li, những năm qua Đài Loan đã gặt hái được nhiều thành tựu trong phát triển năng lượng Mặt trời, năng lượng gió và nhiều lĩnh vực năng lượng tái tạo khác. Chính vì vậy, Đài Loan hoàn toàn tự tin có thể đồng hành và sử dụng thế mạnh này của mình để giúp Việt Nam đạt được mục tiêu đề ra.
Theo đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), một tín hiệu khá lạc quan là EuroCham và 900 doanh nghiệp thành viên của mình đang quan tâm sâu sắc đến lĩnh vực tăng trưởng xanh ở Việt Nam. Đặc biệt, EuroCham mong muốn hỗ trợ cho quá trình xây dựng, giới thiệu và thực hiện một kế hoạch năng lượng tái tạo quốc gia. EuroCham nhận thấy tiềm năng lớn cho các nhà đầu tư đến từ châu Âu trong lĩnh vực công nghệ xanh và bền vững; đặc biệt là năng lượng Mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh học và các giải pháp tối ưu năng lượng trong xây dựng, xử lý nước và chất thải tại Việt Nam. Tuy nhiên, do thiếu các chính sách ưu đãi đầu tư và điều kiện thị trường còn hạn chế… nhiều nhà đầu tư châu Âu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đã rời khỏi và các nhà đầu tư mới còn rất e dè. Ông John Nielsen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, cũng cho biết Đan Mạch có rất nhiều công ty về điện gió, điện Mặt trời và rất quan tâm đến thị trường tiềm năng này của Việt Nam. Hiện Đan Mạch đang tìm giải pháp để đưa việc sản xuất năng lượng xanh vào thị trường Việt Nam thông qua các cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa hai bên. Lý giải về vấn đề năng lượng xanh ở Việt Nam chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp nước ngoài, ông John Nielsen cho rằng, giá điện ở Việt Nam quá thấp so với mức bình quân thế giới. Nhà đầu tư muốn vào thì không thể có một giá điện cạnh tranh được nên các nhà đầu tư không biết định giá điện như thế nào để phù hợp với thị trường. Vì vậy, muốn có thêm nguồn năng lượng xanh cho hoạt động sản xuất, sinh hoạt, Chính phủ Việt Nam cần mở rộng chính sách và thị trường để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.
Cửa đã mở
Cửa đã mở
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện Mặt trời tại Việt Nam. Theo đó, nhà đầu tư dự án điện năng lượng Mặt trời có mức thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong vòng 15 năm đầu tiên, được miễn trong 4 năm tiếp theo và giảm 50% trong 9 năm tiếp sau đó. Ngoài ra, dự án điện Mặt trời được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập để tạo tài sản cố định cho dự án. Đặc biệt, Nhà nước có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án hòa lưới với giá mua tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương với 9,35 UScent/kWh). Các chuyên gia nhìn nhận, với những cơ chế, chính sách hỗ trợ mà Chính phủ đã ban hành thì lĩnh vực này chắc chắn sẽ có tiềm năng phát triển mạnh.
Ông Nguyễn Thế Hưng, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh TPHCM, cho biết ngày càng có nhiều doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài đến tìm hiểu và tìm cơ hội hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng xanh. Cơ hội này sẽ giúp Việt Nam cập nhật xu hướng phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo ở các nước trong khu vực và các nước trên thế giới, đồng thời mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài. Cũng theo ông Hưng, Việt Nam có tiềm năng lớn về phát triển ngành công nghiệp xanh. Chính phủ đang nỗ lực giảm 8% - 10% lượng khí nhà kính đến năm 2020 so với năm 2010 và thúc đẩy giá trị sản xuất ngành công nghiệp xanh và công nghiệp cao lên 42% - 45% GDP. Để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư, Chính phủ Việt Nam đang có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích đầu tư nhằm tạo cơ chế thuận lợi thu hút các doanh nghiệp tham gia phát triển năng lượng xanh.