Tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động Hà Nội ARF lần thứ 24 là một trong những sự kiện quan trọng diễn ra trong tuần lễ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50, với sự tham gia của 10 nước ASEAN và 17 đối tác. Tại diễn đàn, các bộ trưởng nhất trí tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động Hà Nội, thực hiện Tuyên bố Tầm nhìn ARF và hợp tác về các lĩnh vực ưu tiên như chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, an ninh biển, cứu trợ thảm họa, chống phổ biến vũ khí và giải trừ quân bị và gìn giữ hòa bình. Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nêu những quan ngại về tình hình trên thực địa, bao gồm các hoạt động tôn tạo, xây dựng và quân sự hóa; đề nghị duy trì các nguyên tắc và lập trường đã có về vấn đề biển Đông trong các văn kiện của ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác, nhất là giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982, các tiến trình ngoại giao và pháp lý; kêu gọi các nước đối tác và cộng đồng quốc tế tiếp tục ủng hộ nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc, thúc đẩy sớm đàm phán thực chất để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) hiệu quả và ràng buộc về pháp lý. Cũng tại diễn đàn, các nước đã thông qua danh mục các hoạt động cho năm giữa kỳ 2017 - 2018, trong đó Việt Nam sẽ chủ trì 2 hội thảo về các chủ đề hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật trên biển và xây dựng năng lực cho lực lượng giữ hòa bình. Bên cạnh đó, các bộ trưởng nhất trí về thành lập Nhóm giữa kỳ ARF về công nghệ thông tin và truyền thông (ISM-ICTs) để đáp ứng nhu cầu hợp tác khu vực ngày càng gia tăng trong lĩnh vực này. Cùng ngày, phát biểu tại ARF, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho nhấn mạnh Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân và quốc gia sở hữu tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có trách nhiệm. Theo đó, Bình Nhưỡng không có ý định sử dụng vũ khí hạt nhân hay đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại bất cứ quốc gia nào khác ngoài Mỹ, trừ khi các nước khác tham gia vào các nỗ lực chống Triều Tiên của Mỹ. Hướng tới thỏa thuận thương mại tự do Cùng ngày, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham gia cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 7, các bộ trưởng nhất trí tiếp tục tập trung nâng cao hợp tác trong 6 lĩnh vực ưu tiên, xây dựng kế hoạch hành động mới và xem xét bổ sung thêm các lĩnh vực hợp tác ưu tiên như hợp tác biển, chống khủng bố và chống phổ biến vũ khí hạt nhân, phù hợp với yêu cầu mới của tình hình khu vực và quốc tế. Về các vấn đề khu vực và quốc tế, các bộ trưởng đã thảo luận thẳng thắn các vấn đề cùng quan tâm, trong đó nổi lên là tình hình biển Đông, bán đảo Triều Tiên và các thách thức an ninh mới như khủng bố và bạo lực cực đoan, an ninh mạng. Các Bộ trưởng khẳng định tầm quan trọng của duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không trên biển Đông; nhấn mạnh các bên liên quan cần giải quyết hoà bình các tranh chấp, kiềm chế, không sử dụng vũ lực, hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc nhất trí thông qua khung Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) làm cơ sở thúc đẩy đàm phán xây dựng một COC hiệu quả và thực chất. Trong thời gian dự các Hội nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ASEAN và các đối tác, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gặp gỡ và có các cuộc tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Gerry Brownlee, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Đại diện cao cấp phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini.
Ngày 7-8, diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 gồm 10 nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á và 3 đối tác gồm Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Cùng ngày đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác Mê Công - Sông Hằng (MGC) lần thứ 8.