Sức ép về thể chế, dịch vụ
Theo ông Lê Đông Triều, Phó viện trưởng Viện Khoa học pháp lý và Kinh doanh quốc tế (IBLA), thời gian qua, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương hoặc đa phương với các nước. Nổi bật là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), đánh dấu một bước tiến quan trọng của Việt Nam trong quá trình hội nhập.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước 9 tháng đầu năm 2019 tăng 6,98% so với cùng kỳ 2018. Đây là mức tăng cao nhất trong 9 năm gần đây. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 9 tháng ước đạt 382,72 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái…
Chính phủ cũng đưa ra nhận định tăng trưởng kinh tế Việt Nam có dấu hiệu rất tích cực trong bối cảnh thương mại toàn cầu tăng trưởng thấp. Các thành tựu và cơ hội của quá trình Việt Nam hội nhập quốc tế đã tạo dựng được môi trường quốc tế, khu vực thuận lợi, góp phần nâng cao vị thế đất nước trên thương trường thế giới.
Chẳng hạn như, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khá lớn; các doanh nghiệp (DN) Việt đã mở rộng, tiếp cận được thị trường xuất khẩu toàn cầu mà không bị phân biệt, đối xử; từng bước đưa hoạt động của DN cũng như hoạt động kinh tế vào môi trường cạnh tranh…
Tuy vậy, ông Lê Đông Triều cũng chỉ ra rằng, DN đang phải đối diện với nhiều áp lực, thách thức. Chẳng hạn như, giới hạn về lộ trình hợp lý cho việc thực hiện các cam kết trong nhiều lĩnh vực, nhất là thuế quan, phi thuế quan, đầu tư, dịch vụ, sở hữu trí tuệ; bộ máy quản lý còn chồng chéo, thủ tục hành chính còn nhiều bất cập; các doanh nhân, DN bị giới hạn hiểu biết về thị trường thế giới, thiếu kinh nghiệm kinh doanh quốc tế…
Nhìn chung, sức ép lớn mà DN đang phải gánh chịu chính là các thách thức đến từ hội nhập kinh tế quốc tế, ví dụ như sức ép về thể chế, dịch vụ; sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới; khi tham gia các FTA song phương hoặc đa phương thì sức ép lớn nhất là từ thương mại hàng hóa, do việc quy định hoặc thỏa thuận cắt giảm thuế quan về 0% theo lộ trình…
Phối hợp nghiên cứu thực tiễn
Các chuyên gia pháp lý nhấn mạnh, trong hệ thống pháp luật nước ta, pháp luật về đầu tư là nội dung được DN rất quan tâm, nhằm đảm bảo kinh doanh đúng luật, phòng tránh rủi ro pháp lý. Pháp luật đầu tư của Việt Nam đã bước đầu tạo nên một hành lang pháp lý bình đẳng, chung cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư.
Các định chế pháp luật có liên quan đến các hoạt động đầu tư bao gồm: Luật DN 2014; Luật Đầu tư 2014; Bộ luật Lao động 2012; Luật Sở hữu trí tuệ 2005, đã sửa đổi, bổ sung 2009, 2019; Luật Điều ước quốc tế 2016; Luật Quản lý thuế 2019… Những luật này đã điều chỉnh các khía cạnh khác nhau trong quá trình đầu tư, kinh doanh vốn rất đa dạng tại Việt Nam.
Đồng thời, các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia đã trở thành một bộ phận quan trọng, tạo cơ sở thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, hoặc các DN Việt tìm cơ hội đầu tư ra nước ngoài.
Ngoài những tín hiệu tích cực được nêu, một số luật sư cũng góp ý thẳng về việc hạn chế và đi tới bãi bỏ tình trạng ban hành “luật khung”, “luật ống”. Bởi trên thực tế, có tình trạng các DN là đối tượng điều chỉnh chủ yếu của luật nhưng không được tham gia trực tiếp vào các văn bản dự thảo luật, ngoài việc được tham gia góp ý trong hội thảo cho tất cả các đối tượng.
Không xử lý hiệu quả vấn đề “luật khung” sẽ dẫn đến tình trạng lạm quyền và tham nhũng vặt từ các cơ quan điều hành thực thi luật ở các bộ ngành và địa phương. Thêm nữa, cần rà soát sửa đổi những điều khoản trong các luật kinh tế gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa DN. Ví dụ, tình trạng cạnh tranh bất bình đẳng giữa khối DN nhà nước với khối DN tư nhân, giữa khối DN có vốn đầu tư nước ngoài với khối DN trong nước…
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam, nhận định trong bối cảnh hiện nay, để nền kinh tế đất nước có thể tự tin hội nhập với thế giới, thì đội ngũ luật sư, luật gia, doanh nhân cần nắm vững kiến thức pháp luật về kinh tế.
Những đội ngũ này có thể ngồi lại với nhau để phối hợp nghiên cứu thực tiễn; chủ động nâng cao năng lực, sáng tạo, trong đó đặc biệt quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao… Quá trình hợp tác, liên kết kinh tế trong khu vực và trên thế giới ngày càng sôi động, gay gắt, đòi hỏi DN, doanh nhân, các luật sư phải có khả năng thích ứng tốt và đó là xu thế tất yếu.