Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, an toàn thực phẩm (ATTP) là một trong những vấn đề mà Đảng, Nhà nước ta từ lâu đặc biệt quan tâm, coi là vấn đề có ý nghĩa lớn về kinh tế, xã hội, sức khỏe cộng đồng và cũng là vấn đề có ảnh hưởng lớn đến tiến trình hội nhập của Việt Nam. Do đó, Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định sự cần thiết phải tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ, có hiệu quả hơn về ATTP.
Quan điểm chỉ đạo của Chiến lược quốc gia ATTP giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030 chỉ rõ, bảo đảm ATTP chính là bảo đảm quyền lợi và sức khỏe nhân dân, là nhiệm vụ thường xuyên cần tập trung chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, là trách nhiệm và quyền lợi của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và của mỗi người dân, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.
Vườn rau thủy canh đảm bảo ATTP cung ứng cho các hệ thống siêu thị tại TPHCM. Ảnh: THÚY PHONG
Do vậy, cùng với việc tổ chức thực hiện đồng bộ các quy định pháp luật về ATTP, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, đẩy mạnh việc áp dụng các biện pháp tiên tiến trong quản lý ATTP, mỗi DN sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần chú trọng tới việc xây dựng và phát triển các thương hiệu thực phẩm an toàn. Đây sẽ là những yếu tố quan trọng, quyết định tạo nên sự thành công của mỗi DN, đồng thời góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Năm 2018, nhằm khuyến khích các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, Bộ Công thương đã thực hiện nhiều hoạt động nâng cao nhận thức về sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn, hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa đặc sản an toàn của các DN, địa phương trên cả nước.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho biết trong khuôn khổ dự án ATTP thuộc Chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020, Bộ Công thương đã hướng dẫn, phối hợp xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm ATTP tại 32 địa phương. Năm 2018 sẽ tiếp tục hướng dẫn, phối hợp xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm ATTP tại 24 địa phương.
Bên cạnh đó, bộ cũng đã phối hợp với sở công thương các tỉnh, thành phố xây dựng các điểm bán hàng với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Hàng hóa bày bán tại điểm bán hàng Việt phải 100% là hàng hóa sản xuất trong nước, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, ATTP, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác sản phẩm...
Dự kiến đến cuối năm 2018 sẽ thiết lập được khoảng 100 điểm bán hàng Việt tại 59 địa phương trên cả nước. Mục tiêu thời gian tới mà các điểm bán hàng Việt tiến tới là điểm phát luồng hàng hóa trong khu vực, điểm tập kết các đặc sản vùng, miền, địa phương nhằm tăng cường quảng bá du lịch.
Bên cạnh đó, nhằm khuyến khích hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn tại các địa phương; hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa đặc sản, đặc trưng, Bộ Công thương tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá thực phẩm an toàn và đặc sản vùng miền tại hệ thống các siêu thị lớn.
Mở đầu chuỗi các hoạt động trong khuôn khổ chương trình, tháng 6 vừa qua, Bộ Công thương đã phối hợp với Tập đoàn Central Group tổ chức Tuần lễ cá sông Đà tại hệ thống của Central Group - Siêu thị Big C Việt Nam…
Theo bà Lê Việt Nga, cách làm này góp phần xây dựng nền sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn một cách bền vững; tuy nhiên, bên cạnh việc tích cực thực hiện các nhiệm vụ được giao cũng như các hoạt động khuyến khích hỗ trợ trên, ngành công thương rất cần sự phối hợp của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, các cơ quan, đơn vị, hiệp hội ngành hàng, các địa phương trong việc quản lý ATTP, nhằm tạo nguồn cung sản phẩm thực phẩm chất lượng tốt, an toàn và được kiểm soát chặt chẽ.
Để hướng đến một cộng đồng tiêu dùng thực phẩm an toàn bền vững, một số ý kiến cho rằng, yếu tố then chốt chính là từ các DN. Nói cách khác, ATTP phải được xử lý từ gốc bởi chính các DN.
DN phải nghiêm ngặt và khắt khe với chính bản thân mình, coi đó là vấn đề sống còn, cốt lõi trong sản xuất kinh doanh, chứ không đơn thuần chỉ là giải pháp truyền thông. Làm được điều đó, các tiêu chí về ATTP sẽ góp phần tích cực giúp DN xây dựng thành công thương hiệu,