Tại hội nghị này, Việt Nam cũng đã cam kết đồng hành cùng chương trình, đặc biệt là giảm mạnh tình trạng sử dụng cũng như thải bỏ rác thải nhựa ra môi trường.
Lo với nguồn tài nguyên cạn, rác thải tăng
Tại hội nghị, ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Tập đoàn SCG, cho biết với tốc độ gia tăng chưa từng thấy, dân số thế giới dự kiến sẽ chạm mốc 9,7 tỷ người vào năm 2050. Thực tế này sẽ dẫn đến nhu cầu tiêu dùng tăng vọt bất kể nguồn lực hữu hạn.
Cùng với nhu cầu gia tăng sử dụng nguồn tài nguyên thì lượng chất thải phát sinh cũng ngày càng lớn. Thống kê tại Thái Lan cũng cho thấy, trung bình người dân Thái Lan thải ra 1,15kg rác/ngày và tỷ lệ phát sinh chất thải đang có chiều hướng gia tăng.
Chỉ riêng năm 2018, Thái Lan đã tạo ra 28 triệu tấn chất thải. Tương tự, tại Việt Nam, theo Bộ TN-MT, hiện lượng chất thải phát sinh đã gần chạm mốc 25 triệu tấn/năm. Tỷ lệ này còn tăng mạnh khoảng 10% - 12%/năm; trong đó, rác thải nhựa chiếm khoảng 8% - 12%.
Các chuyên gia môi trường tham dự hội nghị cho rằng, nếu thiếu các biện pháp quản lý và xử lý chất thải thích hợp, chất thải sẽ rò rỉ ra các đại dương, gây suy giảm chất lượng môi trường, nguy hại cho sự đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển.
Trong bối cảnh đó, kinh tế tuần hoàn với mô hình “sản xuất - sử dụng - quay vòng” chính là giải pháp giúp giảm nhẹ những vấn đề trên.
Cũng theo đại diện Tập đoàn SCG, chỉ tính riêng trong năm 2018, doanh nghiệp (DN) đã chuyển đổi khoảng 313.000 tấn chất thải công nghiệp thành nguyên liệu thô tái tạo và biến 131.000 tấn chất thải công nghiệp thành nhiên liệu thay thế.
Năm 2019, SCG đã và đang tiếp tục tích hợp các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn vào sản xuất sản phẩm và đặt mục tiêu giảm sản xuất nhựa sử dụng một lần từ 46% xuống 20% vào năm 2025; tăng tỷ lệ nhựa tái chế, tái sử dụng và phân hủy sinh học lên 100% đến năm 2025.
Riêng với hơn 20 nhà máy mà SCG đầu tư tại Việt Nam, SCG cũng đang làm việc với DN nội để cùng xây dựng những dự án chuyển đổi phát triển bền vững.
Tăng lợi kép từ giải pháp kinh tế tuần hoàn
Liên quan vấn đề trên, ông Lars Svensson, Giám đốc điều hành hệ thống siêu thị Ikea, cho biết việc thực hiện hiệu quả kinh tế tuần hoàn không những góp phần cải thiện hiện trạng suy thoái môi trường vốn đang nghiêm trọng hiện nay, mà còn giúp DN tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng khả năng trên thị trường.
Tuy nhiên phải thấy rằng, chỉ riêng lẻ từng DN thực hiện sẽ không tạo được sự lan tỏa trên toàn cầu, dẫn đến hiệu quả bảo vệ môi trường nói chung không cao. Cần thiết phải có sự bắt tay của các DN trong hệ thống chuỗi cung ứng để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường.
Quan trọng hơn, DN cần chủ động đẩy mạnh tái đầu tư công nghệ mới, bởi đây là yếu tố then chốt giúp việc giảm thiểu sử dụng tài nguyên cũng như hạn chế phát sinh chất thải hiệu quả hơn.
Đại diện phía Việt Nam cũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam đã và đang đẩy mạnh giải pháp hỗ trợ vốn để DN trong nước chuyển đổi sang sản xuất xanh.
Có thể thấy, hiện Việt Nam gia nhập rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), mở ra thị trường xuất khẩu rộng lớn cho hàng Việt và sức cạnh tranh của hàng Việt tăng mạnh nhờ được hưởng chính sách ưu đãi về thuế xuất khẩu. Tuy nhiên, phải thấy rằng, trước khi có thể tận dụng được các ưu đãi trên thì DN phải vượt rào cản kỹ thuật về môi trường.
Và rào cản này sẽ ngày càng chặt chẽ hơn khi các DN toàn cầu, tổ chức phi chính phủ, chính phủ các nước cùng bắt tay triển khai thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần toàn, giảm thiểu sử dụng tài nguyên, tăng khả năng tái chế chất thải và ưu tiên sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.
Các chuyên gia môi trường nhấn mạnh thêm, chính phủ các nước cần thiết xây dựng dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các quy định cứng rắn cũng như quản lý chất thải nghiêm ngặt.
Đặc biệt, có những biện pháp chế tài kinh tế mạnh với những trường hợp không áp dụng giải pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu chất thải trong quá trình sản xuất.
Trong khuôn khổ hội nghị, 44 đối tác, bao gồm 5 tổ chức toàn cầu, 3 cơ quan chính phủ, 28 doanh nghiệp, 8 trường học và cộng đồng đã ký cam kết cùng chung tay tạo nên những mô hình tuân thủ các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, để tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và giải quyết các vấn đề lãng phí trong toàn dây chuyền hoạt động. |