Tại TPHCM, theo đánh giá của Cục Thống kê, trong tháng 8-2021, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của thành phố giảm 22,5% so với tháng 7-2021 và giảm 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng doanh thu hàng hóa và dịch vụ chỉ bằng 85,7% tháng 7-2021 và bằng 98,6% cùng kỳ. Con số trên phần nào đã phản ánh tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn đang hết sức khó khăn do dịch bệnh kéo dài.
Đơn cử lĩnh vực chế biến thực phẩm, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực- thực phẩm TPHCM (FFA) thẳng thắn chỉ ra, rất nhiều doanh nghiệp của ngành này đang nằm trong các khu vực phong tỏa theo quy định của TPHCM nên hoạt động sản xuất, nguồn thu bị sụt giảm nghiêm trọng. Chưa kể, một số doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ kéo dài nên hầu hết các chi phí của doanh nghiệp đều tăng cao và việc kinh doanh hầu như không có lợi nhuận.
Tương tự với lĩnh vực bán lẻ, liên tục trong thời gian qua các doanh nghiệp bán lẻ ở TPHCM đã nhiều lần phải đóng cửa các siêu thị của mình dài ngày vì có khách hàng là F0 ghé mua. Chính vì thế dù nhu cầu tiêu dùng các hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là lương thực thực phẩm vẫn rất lớn do tâm lý tích trữ của một bộ phận không nhỏ người dân. Song theo đánh giá của giới chuyên gia, phân khúc này đem đến biên lợi nhuận thấp; trong khi các mặt hàng điện máy, đồ xa xỉ có đóng góp lớn vào doanh thu lại đang trong tình trạng ảm đạm. Điều đó đã gây ra những hệ lụy lớn về doanh số, chỉ tiêu kinh doanh trong tháng, quý của các doanh nghiệp bán lẻ. Trong khi đó, quỹ lương cho nhân viên, các khoản chi khác như điện, nước chi phí thuê mặt bằng vẫn phải duy trì…
Các doanh nghiệp chia sẻ rằng, trong thời gian tới, nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục kéo dài, nguồn cung hàng hóa giảm, chi phí sản xuất tăng có thể dẫn đến xu hướng tăng giá một số mặt hàng thiết yếu. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối đề nghị được ưu tiên tiêm phòng Covid-19 cho toàn bộ lực lượng lao động và cho phép các Hiệp hội được phối hợp cùng cơ quan nhà nước tổ chức việc tiêm phòng tập trung cho lao động.
“Chúng tôi cần có các chính sách phù hợp để không gián đoạn nguồn cung ứng nguyên vật liệu; cần được hỗ trợ về tài chính thông qua việc cho phép giãn nợ, không yêu cầu trả các khoản nợ vay đến hạn trong 4-6 tháng tới. Đặc biệt là cần có chính sách hỗ trợ một phần tiền lương cho người lao động bị thất nghiệp hoặc nghỉ luân phiên do ảnh hưởng của dịch bệnh để duy trì nguồn lao động cho doanh nghiệp”, bà Lý Kim Chi mong mỏi.
Nắm bắt thông tin từ doanh nghiệp, mới đây Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tiếp tục có nhiều giải pháp hỗ trợ giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất; đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất có phương án bố trí sản xuất phù hợp, hiệu quả để bảo đảm nguồn cung hàng hóa và hạn chế tăng giá hàng hóa trong bối cảnh hiện nay để chia sẻ khó khăn với người dân.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đề xuất bổ sung nội dung hướng dẫn các địa phương xây dựng các “kịch bản” lộ trình phục hồi sản xuất tương ứng với kịch bản phục hồi dịch bệnh để làm sao doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, chứ không bị động như trong giai đoạn hiện nay. Các kịch bản này tương ứng với tỉ lệ phục hồi sản xuất từ 30-100% năng lực sản xuất của doanh nghiệp từ nay cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn. Đồng thời, cần có ngay quy định thời hạn, thời gian để các cơ quan y tế địa phương phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp “tách” F0, F1 trong môi trường làm việc trong khi vẫn duy trì sản xuất.
Bên cạnh đó, dự báo nhu cầu mua hàng trong những ngày tới của người dân TPHCM sẽ còn tiếp tục tăng ở mức cao. Để hỗ trợ các hệ thống phân phối trong việc bảo đảm cung ứng hàng hóa, Bộ Công Thương đã đề nghị Sở Công Thương TPHCM tham mưu UBND Thành phố cho phép bổ sung thêm nhân viên làm việc tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích; bổ sung thêm lực lượng đi chợ giúp dân, phối hợp với các siêu thị chuẩn bị hàng hóa phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao thời gian tới cũng như đảm bảo nguồn cung hàng hóa.