Ngày 17-11, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội (Hà Nội), Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội thảo “Lý luận và thực trạng phân bổ vốn đầu tư công, giám sát của Quốc hội về phân bổ vốn đầu tư công”.
“Đối với các cơ quan của Quốc hội, với thẩm quyền quyết định và giám sát về ngân sách nhà nước, về kế hoạch đầu tư công trung hạn từng giai đoạn, việc quyết định cơ chế phân bổ vốn đầu tư công và hoạt động giám sát tình hình phân bổ vốn đầu tư công là những nhiệm vụ quan trọng”, ông Nguyễn Hữu Toàn nhấn mạnh.
TS Hoàng Quang Hàm, Trợ lý Phó Chủ tịch Quốc hội bình luận, đầu tư công không chỉ bao gồm các dự án đầu tư nhằm thực hiện các mục tiêu của chính sách công, không có khả năng thu hồi vốn, không vì mục tiêu kinh doanh mà còn bao gồm cả các dự án đầu tư vì mục tiêu kinh doanh. Chính vì thế, chính sách phân bổ vốn đầu tư công cần được nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng và bảo đảm tuân thủ những nguyên tắc chặt chẽ.
Đưa ra kiến nghị đổi mới trong phân bổ vốn đầu tư công, TS Hoàng Quang Hàm cho rằng, việc bố trí vốn phải phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn, bảo đảm cân đối vĩ mô, giữ vững an toàn nợ công của quốc gia. Đồng thời, việc xem xét cơ cấu vốn đầu tư công cần chú trọng cho các ngành nghề ưu tiên (các ngành công nghệ cao, các ngành có khả năng dẫn dắt, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa…) trong từng giai đoạn, từng thời kỳ…
Cũng tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực và có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, song nhận thức lý luận về đầu tư công vẫn còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu giải quyết trong nền kinh tế thị trường.
Các động lực tăng trưởng chính yếu của kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn là 3 “chân kiềng”: đầu tư nước ngoài, xuất khẩu và đầu tư công.
Với hai động lực đầu (đầu tư nước ngoài, xuất khẩu), xu hướng khó khăn khách quan là khá rõ. Động lực thứ 3: đầu tư công - được coi là đang có nguồn tài lực khá dồi dào (lượng vốn đã bố trí từ những năm trước vẫn chưa giải ngân hết, nhưng nhiều rào cản, vướng mắc cố hữu). Tập trung tháo gỡ những rào cản này chính là một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng và quyết định đối với tăng trưởng kinh tế.