Tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát của HĐND TPHCM

Dự kiến ngày 19-9, HĐND TPHCM tổ chức kỳ họp chuyên đề để thảo luận cho ý kiến và biểu quyết thông qua một số nội dung cấp thiết trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Dịp này, PV Báo SGGP có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM về những nội dung của kỳ họp.

Dành nhiều thời gian xem xét các dự thảo nghị quyết

PHÓNG VIÊN: Thưa đồng chí, kỳ họp chuyên đề lần này của HĐND TPHCM có gì đặc biệt?

* Đồng chí NGUYỄN THỊ LỆ: Đến thời điểm này, TPHCM chuẩn bị bước qua quý 4 thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm 2023, cũng như trải qua gần 2 tháng thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (gọi tắt là Nghị quyết 98). Bên cạnh đó, năm 2023 cũng là năm đánh dấu nửa chặng đường thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ của HĐND thành phố.

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM

Trải qua hơn 8 tháng thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023, thành phố đã đạt được những kết quả nhất định về phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn cần khắc phục, điều chỉnh. Điều đặc biệt là kỳ họp thứ 11, HĐND TPHCM khóa X dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 19-9, HĐND thành phố dành nhiều thời gian để xem xét các dự thảo nghị quyết kèm tờ trình của UBND TPHCM về những nội dung trọng tâm liên quan việc triển khai thực hiện Nghị quyết 98 thuộc thẩm quyền HĐND thành phố và các nội dung cấp bách về phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM. Đồng thời, HĐND TPHCM cũng tổ chức hội nghị tổng kết thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, sơ kết giữa nhiệm kỳ hoạt động HĐND TPHCM khóa X nhiệm kỳ 2021-2026.

Thực hiện Nghị quyết 98, thẩm quyền của HĐND TPHCM là rất lớn, với 14 nhiệm vụ và 13 thẩm quyền bao quát trên tất cả các lĩnh vực, HĐND TPHCM sẽ thực hiện nhiệm vụ này ra sao, thưa đồng chí?

* Ngay sau khi Nghị quyết 98 được Quốc hội thông qua, HĐND TPHCM đã có kế hoạch cụ thể để thực hiện. Cụ thể là tại kỳ họp thứ 10 diễn ra vào tháng 7, HĐND TPHCM đã thông qua Nghị quyết số 18/2023/NQ-HĐND về triển khai thực hiện Nghị quyết 98; Thường trực HĐND TPHCM ban hành kế hoạch số 856/KH-HĐND về Tổ chức thực hiện Nghị quyết 98 và một số nội dung cụ thể hóa Nghị quyết 98 như bố trí ngân sách thành phố hỗ trợ cho vay giảm nghèo và giải quyết việc làm; bố trí ngân sách thành phố cho dự án đường cao tốc Mộc Bài - TPHCM…

Thường trực HĐND TPHCM cũng đã chỉ đạo các ban của HĐND thành phố chủ động phối hợp, đôn đốc các sở, ngành chuẩn bị tờ trình và tiến hành thẩm tra, trình HĐND thành phố quyết định các nội dung theo chuyên môn của từng ban, đảm bảo đúng tiến độ đề ra.

Tại kỳ họp chuyên đề lần này, HĐND TPHCM sẽ xem xét quyết định các nội dung như cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP Thủ Đức; quy định chức năng, nhiệm vụ các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP Thủ Đức.

Bên cạnh đó là quy định tiêu chí, tiêu chuẩn, định mức quy định đối với số lượng cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn; danh mục dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng loại hợp đồng BOT. Đồng thời, xem xét quyết định thành lập Sở An toàn thực phẩm TPHCM.

HĐND TPHCM xác định rất rõ trách nhiệm của mình và sẽ kiên quyết thực hiện việc giám sát trong thực thi chính sách để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “không thể, không dám, không muốn, không cần” lợi dụng và trục lợi từ các cơ chế chính sách này

Chủ tịch HĐND TPHCM NGUYỄN THỊ LỆ

Bổ sung cán bộ công chức cho xã, phường, thị trấn có dân số đông

Với khối lượng công việc như hiện nay, cán bộ, công chức ở phường, xã, thị trấn, nhất là những địa phương có dân số đông đang chịu áp lực rất lớn. Vậy sau khi HĐND thành phố thông qua tiêu chí, tiêu chuẩn, định mức quy định có giải quyết được tình trạng quá tải như hiện nay?

* Hiện nay số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn được bố trí theo phân loại đơn vị hành chính. Cụ thể, phường, xã, thị trấn loại 1 được bố trí tối đa 23 cán bộ, công chức và 14 người hoạt động không chuyên trách. Phường, xã, thị trấn loại 2 được bố trí tối đa 21 cán bộ, công chức và 12 người hoạt động không chuyên trách. Phường, xã, thị trấn loại 3 được bố trí tối đa 19 cán bộ, công chức và 10 người hoạt động không chuyên trách.

Có thể khẳng định cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các phường, xã, thị trấn trên địa bàn TPHCM đang thực hiện khối lượng công việc rất lớn. Đặc biệt, có những phường, xã có số lượng dân số tương đương với đơn vị hành chính cấp huyện. Đơn cử như phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) với hơn 125.000 dân, nhưng tổng số biên chế mà phường được giao là 36 biên chế, trong đó cán bộ, công chức là 22 người, hoạt động không chuyên trách là 14 người.

Như vậy tính ra mỗi cán bộ phải phục vụ hơn 3.497 người dân; hiện phường cũng chỉ có một cán bộ kinh tế nhưng phải quản lý 27 khu phố với 5.598 doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể. Với chỉ tiêu công chức tại các đơn vị hành chính cấp xã áp dụng tại TPHCM hiện nay là chưa phù hợp với khối lượng công việc, quy mô dân số, đặc điểm của từng địa phương. Điều này dẫn đến quá tải công việc và có thể ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức cấp xã.

Khi ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, định mức đối với số lượng cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố, HĐND TPHCM sẽ có quy định về định mức số lượng cán bộ, công chức theo quy mô dân số của từng địa phương. Nói cách khác là xã, phường, thị trấn có dân số đông thì sẽ được bổ sung cán bộ, công chức. Tôi hy vọng và tin tưởng việc này sẽ góp phần giảm tải cho cán bộ, công chức, viên chức tại các địa phương. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, năng lực thực thi công vụ tại địa phương.

Một nội dung khác được cử tri quan tâm là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố đang chậm so với kế hoạch. Theo đồng chí vấn đề nằm ở đâu và HĐND thành phố giám sát việc này như thế nào?

* Lũy kế giải ngân vốn đầu tư công của thành phố đến hết tuần đầu tháng 9 năm 2023 chỉ đạt 29%, đây là con số rất thấp so với kế hoạch năm là 95%. Từ đầu năm đến nay, HĐND TPHCM đã có nhiều buổi giám sát, giải trình về công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố. Qua giám sát cho thấy điểm nghẽn lớn nhất vẫn nằm ở khâu bồi thường giải phóng mặt bằng, vấn đề liên quan đến quy hoạch, công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương, chủ đầu tư còn chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ.

Để tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố đạt được mục tiêu đề ra, nhiệm vụ những tháng cuối năm là rất lớn. Do đó, cần có các giải pháp, phương án cụ thể để đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính và nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp giữa các sở, ngành thành phố. HĐND TPHCM tiếp tục theo dõi, giám sát, đôn đốc các cơ quan chính quyền và có phản biện, kiến nghị cụ thể. Bên cạnh đó, HĐND TPHCM cũng xem xét quyết định việc điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023; điều chuyển vốn giữa các chủ đầu tư để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, góp phần hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công của thành phố.

Lập tổ công tác giám sát sát sao hàng năm

Chia sẻ thêm về hoạt động giám sát của HĐND TPHCM thời gian tới, đồng chí Nguyễn Thị Lệ cho biết, ngay trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Thường trực HĐND TPHCM sẽ tổ chức giám sát về kết quả triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết 98. Trong đó, tập trung giám sát tiến độ trình cấp có thẩm quyền quyết định đối với các cơ chế, chính sách đặc thù được giao và giám sát kết quả thực hiện các cơ chế đã được ban hành. Thường trực HĐND TPHCM sẽ thành lập tổ công tác để thường xuyên theo dõi tiến độ, đôn đốc việc tổ chức thực hiện.

Tin cùng chuyên mục