Tăng cường hậu kiểm với đối tượng quản lý "động và mềm"

"Về bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước, có ý kiến đề nghị bên cạnh quản lý tiền kiểm qua công cụ cấp phép, cần tăng cường hậu kiểm bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để phù hợp với đối tượng quản lý “động và mềm”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhận định.

Chiều 28-8, trong khuôn khổ hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách, các ĐB đã cho ý kiến hoàn thiện dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Báo cáo một số vấn đề lớn trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại phiên họp lần thứ 25, dự án luật đã quy định 4 nhóm chính sách lớn, đảm bảo quản lý toàn diện về nước từ bảo vệ, phát triển, điều hòa, phân phối, đến khai thác, sử dụng và phòng chống tác hại do nước gây ra.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

“Để tránh chồng chéo, kế thừa Luật Tài nguyên nước hiện hành, dự thảo luật chỉ quy định những vấn đề chung nhất về khai thác, sử dụng nước ở giác độ bảo đảm nguồn nước. Còn việc khai thác, sử dụng nước trong từng lĩnh vực, phạm vi cụ thể sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành”, ông Huy nêu rõ.

Bên cạnh đó, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên có tính chất lý, hóa đặc biệt, có giá trị kinh tế cao hơn nước thông thường nên cần có yêu cầu quản lý nghiêm ngặt, chặt chẽ như một loại tài nguyên, khoáng sản có giá trị kinh tế cao; hiện loại nước này đang được quản lý ổn định theo pháp luật về khoáng sản. Do đó, không bổ sung 2 loại nước này trong phạm vi điều chỉnh của luật để tránh xáo trộn. Đây cũng là phương án Chính phủ trình Quốc hội.

Về bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước, có ý kiến đề nghị bên cạnh quản lý tiền kiểm qua công cụ cấp phép, cần tăng cường hậu kiểm bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để phù hợp với đối tượng quản lý “động và mềm”; bổ sung một điều quy định mang tính nguyên tắc về bảo vệ nguồn nước mặt. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo luật đã bổ sung quy định nội dung quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; bổ sung Điều 22 quy định về bảo vệ nguồn nước mặt.

Về điều hòa, phân phối tài nguyên nước, dự thảo luật đã bổ sung quy định về căn cứ, nguyên tắc, giải pháp điều hòa, phân phối tài nguyên nước thông qua biện pháp công trình, giải pháp phi công trình; bổ sung quy định dự báo khí tượng, thủy văn, xu thế diễn biến theo các thời kỳ trong năm nhằm chủ động kịch bản điều hòa, phân phối, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên khai thác, sử dụng nước; bổ sung trách nhiệm các bộ, UBND tỉnh trên lưu vực sông trong điều hòa, phân phối tài nguyên nước.

Về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, để tránh chồng chéo trong quản lý nước sinh hoạt, Luật Tài nguyên nước sẽ chỉ quy định một số nguyên tắc về yêu cầu quản lý và đảm bảo chất lượng, số lượng nguồn nước cấp cho sinh hoạt. Còn các nội dung cụ thể về khai thác nước cho sinh hoạt sẽ được điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện theo pháp luật chuyên ngành về cấp thoát nước.

ĐB Nguyễn Thị Thủy (tỉnh Bắc Kạn)

ĐB Nguyễn Thị Thủy (tỉnh Bắc Kạn)

Bày tỏ quan tâm đến việc có nên đưa nước nóng, nước khoáng thiên nhiên vào phạm vi điều chỉnh của luật hay không, ĐB Nguyễn Thị Thủy (tỉnh Bắc Kạn) cho rằng, không nên mở rộng.

“Trên thế giới và cả ở Việt Nam hiện nay, đây được coi là khoáng sản và đang được quản lý, khai thác, vận hành có hiệu quả trong việc phục vụ phát triển y học cũng như kinh tế - xã hội. Vì xác định đây là khoáng sản, nên hiện nay nước nóng, nước khoáng thiên nhiên đang được điều chỉnh bởi Luật Khoáng sản, đang được quản lý, bảo vệ, khai thác theo quy trình chặt chẽ như đối với các khoáng sản khác”, nữ ĐB phân tích.

Trong khi đó, ĐB Trần Văn Lâm (tỉnh Bắc Giang) đề cập đến quy định về việc chuyển nguồn nước giữa các lưu vực sông. ĐB cho rằng, nếu như chúng ta tiếp tục cho phép chuyển nguồn nước dù có kiểm soát thì ít nhiều vẫn ảnh hưởng đến hệ sinh thái trong lưu vực sông.

“Đề nghị cấm hẳn việc chuyển nguồn nước giữa các lưu vực sông và có thể đưa nội dung này vào luật”, ông Trần Văn Lâm nói.

Tin cùng chuyên mục