Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày dân số Việt Nam năm 2017 có chủ đề “Thực hiện tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh, nâng cao chất lượng dân số” nhằm tuyên truyền các nội dung ưu tiên về tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh.
Tuyên truyền việc quán triệt, triển khai thực hiện tốt chỉ tiêu nhiệm vụ đã đề ra trong Nghị quyết số 21 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới. Trong đó, mục tiêu đặt ra việc tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030 là 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nêu rõ, để đạt được những mục tiêu đề ra, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tập trung tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội về vai trò, vị trí và và tầm quan trọng của công tác dân số đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động vận động, truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số, giảm tốc độ mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng, tăng tỷ lệ người sử dụng dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh. Theo Bộ Y tế, hiện nay, Đề án tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh đã được triển khai 63/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Tại Trung ương, các thai phụ có thể đến các trung tâm sàng lọc trước sinh và sơ sinh để được cung cấp các dịch vụ cần thiết cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Tại các tuyến quận, huyện, thai phụ có thể đến trung tâm dân số kế hoạch hóa gia đình để được tư vấn, khám sàng lọc, phát hiện sớm những bất thường hay dị tật thai nhi.