Ngày 1-8, tại TP Đà Lạt, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng phối hợp sở công thương các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc tổ chức hội nghị kết nối giao thương xuất nhập khẩu hàng hóa gắn với xúc tiến du lịch và đầu tư giữa doanh nghiệp Hàn Quốc với doanh nghiệp các tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Tại hội nghị, 29 doanh nghiệp Hàn Quốc và 73 doanh nghiệp, hợp tác xã trong khu vực Tây Nguyên đã kết nối, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng tới đối tác. Theo ông Bùi Xuân Lịch, Trưởng đại diện văn phòng Cục Xúc tiến thương mại tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên (Bộ Công thương), hội nghị là dịp giúp doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên nắm bắt thêm thông tin về dự báo tình hình, định hướng nhu cầu thị trường xuất khẩu, cập nhật tiêu chuẩn nhập khẩu của thị trường Hàn Quốc. Doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp cận, đánh giá năng lực sản xuất, cung ứng của các doanh nghiệp xuất khẩu khu vực Tây Nguyên và tình hình phát triển logistics tại các địa phương. Từ đó giúp thị trường xuất khẩu mở rộng, thêm nhiều chuỗi cung ứng mới được hình thành, góp phần đưa các sản phẩm thế mạnh của khu vực Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung đi xa hơn, bền vững hơn.
Theo Bộ Công thương, Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch song phương năm 2023 đạt 76 tỷ USD, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam
* Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan làm việc với UBND tỉnh Gia Lai liên quan đến tình hình nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn. Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Gia Lai kiến nghị Bộ NN-PTNT cho phép được chuyển đổi diện tích cao su bị chết, kém phát triển sang các dự án khác; hướng dẫn cụ thể về chuyển mục đích sử dụng rừng và trồng rừng thay thế. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, địa phương cần rà soát, đánh giá đầy đủ thực trạng như nguyên nhân chết, chuyển sang trồng loại cây nào... Khi đầy đủ hồ sơ, luận cứ, bộ sẽ đồng hành vào cuộc tháo gỡ với tỉnh.