Tại hội thảo sức khỏe tâm thần lần thứ 1 với chủ đề “Đại dịch Covid-19: Những vấn đề đặt ra với công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần” vừa diễn ra, TS Lê Thị Mai Liên, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia TPHCM), cho biết, khi làm khảo sát phục vụ nghiên cứu gồm 22 mệnh đề mô tả 7 yếu tố là Covid-19, kinh tế, học tập, khó khăn trong các mối quan hệ, người thân nhiễm bệnh, tang chế và ảnh hưởng xã hội với 228 sinh viên đang theo học tại các trường ĐH ở TPHCM, đã ghi nhận hơn 60% sinh viên tham gia khảo sát gặp các triệu chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD).
Con số này cao hơn so với những nghiên cứu về PTSD trên các đối tượng khác tại Việt Nam. Theo kết quả ghi nhận từ báo cáo của sinh viên, nghiên cứu chỉ ra rằng những sinh viên năm thứ 2 là nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi PTSD cao nhất.
Từ kết quả nghiên cứu trên, các nhà khoa học khuyến nghị nhà trường nên tiến hành sàng lọc định kỳ để phát hiện và hỗ trợ sinh viên có khó khăn về sức khỏe tâm thần. Đồng thời, nhà trường có thể tập trung vào giáo dục tâm lý để trang bị kỹ năng ứng phó cho sinh viên.
Sinh viên cũng có thể thành lập các nhóm hỗ trợ để các bạn cùng chia sẻ, hỗ trợ nhau vượt qua những tình huống khó khăn. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước có thể triển khai những chính sách hỗ trợ tài chính, thực phẩm cho sinh viên trong tình huống khó khăn như đại dịch, tăng cường hỗ trợ tâm lý cho sinh viên, kiểm soát những thông tin truyền thông để tránh sự lan truyền của những thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong cộng đồng.