Tại hội nghị, qua tổng hợp sơ bộ kiến nghị cử tri sau tiếp xúc kết thúc kỳ họp thứ 4, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, rất nhiều cử tri kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt việc tinh giản biên chế, xã hội hóa dịch vụ công, cải cách tiền lương, cơ cấu lại tổ chức bộ máy; xem xét sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã có địa bàn, quy mô dân số chưa đủ chuẩn về điều kiện kinh tế, văn hóa...
Đáng lưu ý, cử tri đề nghị xem xét, xây dựng cơ chế cho người dân đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và mức độ hài lòng đối với cán bộ công chức trong thi hành công vụ, nhằm góp phần nâng cao tính minh bạch trong việc đánh giá cán bộ, công chức và trong cải cách hành chính.
Mặc dù đánh giá công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đã có chuyển biến, nhiều vụ tham nhũng lớn được đưa ra xét xử kịp thời, song cử tri cũng cho rằng việc công khai các kết luận thanh tra còn chưa kịp thời, gây dư luận không tốt, đề nghị sớm công khai các kết luận này để tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền giám sát.
Cử tri cũng kiến nghị cần rà soát lại quy trình điều tra, truy tố, xét xử, tránh tình trạng đưa ra xét xử rồi lại phải dừng phiên tòa để điều tra bổ sung; có cơ chế hiệu quả để cán bộ, công chức phải thực hiện nghĩa vụ kê khai đầy đủ, niêm yết công khai bản kê khai tài sản để người dân giám sát, có biện pháp thu hồi hiệu quả tài sản nhà nước bị thất thoát.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng công tác dân nguyện đã được quan tâm hơn rất nhiều so với những năm trước đây. Tuy nhiên, người đứng đầu Ủy ban Tư pháp kiến nghị Ban Dân nguyện quan tâm hơn đến hậu giám sát và mạnh dạn xử lý đơn trùng. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ chia sẻ quan điểm này và cho rằng việc tăng cường giám sát sau xử lý đơn thư mới thực sự “tạo ra được lẽ công bằng mà cử tri rất mong chờ”.
Tham dự phiên họp, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, ông vẫn đích thân đọc những đơn gửi trực tiếp đến mình, “mỗi ngày khoảng 50 đơn, thuộc đủ mọi lĩnh vực và riêng năm 2017 là 7.974 đơn các loại”.
Nhờ đó, trong năm 2017 - kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ, nhiều bức xúc lâu năm “trỗi dậy” và đã được giải quyết, điển hình là trường hợp liệt sĩ sau 86 năm đã được công nhận. “Đến giờ này, chúng tôi đã công nhận được 2.500 trường hợp thương binh, 1.245 trường hợp liệt sĩ”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.