Trong khi đó, Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cho biết sẽ lấy 192 mẫu bánh trung thu trên địa bàn TPHCM để kiểm tra chất lượng…
Giá tăng từ 5% - 7%
Còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Trung thu, tuy nhiên nhiều cửa hàng trên các tuyến đường ở TPHCM đã bày bán bánh trung thu từ rất sớm. Theo đó, nhiều thương hiệu đã chào hàng với hàng chục loại bánh khác nhau.
Chủ một gian hàng bánh trung thu trên đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức) cho biết, việc các doanh nghiệp (DN) sản xuất đưa sản phẩm ra thị trường sớm hơn mọi năm là do nhu cầu của khách hàng.
Vì theo tâm lý người tiêu dùng, thưởng thức bánh sớm bao giờ cũng ngon hơn là để cận ngày. Bên cạnh đó, việc mua bánh để thắp hương trên bàn thờ vào dịp 30 hoặc mùng 1-8 (âm lịch) cũng được nhiều gia đình chú trọng.
Theo ghi nhận của chúng tôi, giá bánh trung thu năm nay tăng bình quân từ 5% - 7% so với năm ngoái. Nguyên nhân chính dẫn đến giá bánh tăng là do giá giấy nguyên liệu nhập khẩu tăng tới hơn 30%, đó là chưa kể giá nhân công và các loại chi phí khác đều tăng.
“Trên thực tế, việc mua nguyên vật liệu để sản xuất có nhiều thuận lợi, nhưng do một số loại nguyên liệu tăng vì ảnh hưởng bởi tỷ giá nên bánh trung thu buộc phải điều chỉnh tăng nhẹ. Để bán được bánh, DN buộc phải xoay sở, tính toán nhiều hơn nhằm giảm chi phí, đồng thời chấp nhận giảm lợi nhuận để bù vào các phần nguyên liệu tăng giá”, giám đốc kinh doanh một DN cho biết.
Dự báo của các chuyên gia, mùa bánh trung thu 2019, các DN dự kiến tung ra sản lượng khoảng hơn 5.000 tấn bánh, với sự góp mặt của trên 50 thương hiệu cùng hàng trăm chủng loại bánh khác nhau, từ cao cấp đến bình dân.
Hiện bánh trung thu có giá bán bình quân trên thị trường từ 38.000 - 500.000 đồng/bánh, tương đương với mức từ 150.000 đồng/hộp đến 2 triệu đồng/hộp (4 bánh), tuỳ chủng loại và kích cỡ. Tuy nhiên, dòng bánh có giá bán trung bình từ 300.000 - 500.000 đồng/hộp (4 bánh) được khách hàng chọn mua nhiều nhất.
Đột phá dòng sản phẩm dinh dưỡng
Cùng với dòng bánh truyền thống như thập cẩm các loại; bánh dẻo đậu xanh, hạt sen… được đầu tư kỹ về chất lượng, mẫu mã, bao bì thì dòng bánh dinh dưỡng cũng được các nhà sản xuất khai thác triệt để. Đây là điểm mới của thị trường bánh trung thu năm 2019.
Điển hình như thương hiệu bánh Thành Long, sau 4 tháng nghiên cứu và tìm kiếm các nguyên liệu thay thế, đơn vị này đã chào hàng dòng bánh dinh dưỡng được sản xuất từ đường Trihalose (hay còn gọi đường tảo) nhập khẩu từ Nhật Bản với giá thành 500.000 đồng/kg.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy, chủ cơ sở bánh mứt Thành Long, phân tích: “Đường tảo có độ tinh khiết cao, độ ngọt dịu nhẹ vừa phải. Khi dùng đường tảo sản xuất bánh trung thu, giúp bánh mềm ẩm, tươi lâu hơn. Loại đường này còn giúp hạn chế đường chảy ướt, nhờn dính, dễ tan trong miệng. Sau khi ăn bánh không bị cảm giác chua miệng. Nhưng nhược điểm là giá đường cao gấp nhiều chục lần so với đường tinh luyện, nên bài toán đặt ra là phải cân đối trong sản xuất để giá thành sản phẩm chỉ tăng nhẹ so với giá bánh chung trên thị trường. Về lâu dài, muốn giữ chân người tiêu dùng, đặc biệt là khách hàng trẻ thì DN buộc phải nghiên cứu và đầu tư cao hơn”.
Kết hợp với loại đường này, Thành Long đã nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu từ Nhật Bản và các nước khác để đưa ra dòng bánh khác biệt như: hạt sen tinh than tre, trái bơ hạt chia, đậu xanh wasabi, trà xanh, hạt sen tỏi đen, phô mai cà phê, phô mai dâu… tạo vị rất thơm ngon.
Ngoài ra, Thành Long cũng đang sở hữu nhiều loại bánh trung thu dành cho người ăn kiêng như thập cẩm trái cây sấy, đậu xanh - sầu riêng, mè tỏi đen, thập cẩm cà ri gà, quả bơ hạnh nhân, thập cẩm cà ri nấm…
Với thâm niên tròn 70 năm sản xuất bánh trung thu, năm 2019, thương hiệu bánh Thành Long được khách hàng của Nhật Bản trực tiếp đến đánh giá quy trình sản xuất và đặt những đơn hàng đầu tiên để xuất khẩu sang nước này.
Tương tự, nhiều thương hiệu khác cũng đang theo đuổi dòng bánh dinh dưỡng. Theo ông Phan Văn Thiện, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bibica, kế hoạch năm nay sẽ đưa ra thị trường hơn 600 tấn bánh các loại, tăng khoảng 10% so cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, đơn vị có bổ sung gần 10 loại bánh mới làm từ các loại trái cây đặc sản vùng miền như dâu tây Đà Lạt, vỏ bưởi Diễn, hồng Đà Lạt, đặc biệt là nhân sầu riêng. Hiện bánh trung thu Bibica cũng được nhiều đơn vị xuất khẩu sang nước ngoài để phục vụ Việt kiều và dân Trung Quốc, Malaysia, Singapore.
Thị trường bánh trung thu bán online trên các trang mạng cũng đang nhộn nhịp, chủ yếu là bánh “nhà làm” nên giá khá mềm, bình quân chỉ từ 40.000 - 60.0000 đồng/bánh.
Theo đại diện Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, người tiêu dùng nên cẩn trọng khi mua bánh trên mạng không rõ nguồn gốc, do đơn vị không quản lý được sản phẩm được rao bán online.
Với các loại bánh được bán trên thị trường, đơn vị đã lên kế hoạch lấy mẫu để giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm. Dự kiến, đơn vị sẽ lấy 192 mẫu bánh trung thu trên địa bàn TPHCM để kiểm tra các chỉ tiêu: E.Coli, S.Aureus (tụ cầu vàng), aflatoxin (độc tố tự nhiên sinh ra bởi nấm mốc), natri benzoat (chất bảo quản).
Nếu cơ sở sản xuất nào vi phạm vượt quá ngưỡng cho phép an toàn thì sẽ bị xử lý nghiêm khắc, thậm chí đình chỉ sản xuất.
Cơ sở bánh mứt Thành Long cũng là đơn vị duy nhất tại TP bán bánh trung thu nóng cho khách hàng có nhu cầu thưởng thức. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy, bánh nóng là bánh nướng vừa ra lò, được đóng vào giấy bạc, vỏ bánh còn giòn, thơm, vàng ruộm. Loại bánh này, khi đóng gói để sau 2 ngày thì lớp dầu trong nhân bánh sẽ tươm ra làm vỏ bánh mềm lại. Khách hàng có nhu cầu ăn bánh trung thu nóng phải gọi điện thoại hoặc đặt hàng trước, cơ sở sẽ chủ động sản xuất và giao hàng cho khách. |