Ngày 7-11, Tòa án nhân dân (TAND) TPHCM tổ chức Hội nghị triển khai thí điểm tăng cường công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết án dân sự, hành chính tại TPHCM. Đến dự có các đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao; Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM.
Hòa giải, đối thoại là thủ tục có ý nghĩa quan trọng nhằm giúp các đương sự thỏa thuận với nhau trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự và đối thoại thành trong khiếu kiện hành chính. Ngày 1-10-2018, TAND Tối cao có Kế hoạch số 301/KH-TANDTC tiếp tục và mở rộng thực hiện thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, hành chính tại TAND cho 16 TAND tỉnh, thành, trong đó có TPHCM. Việc mở rộng thực hiện thí điểm này nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác hòa giải, đối thoại tại TAND, góp phần giảm áp lực số lượng vụ việc tòa án phải giải quyết thông qua mở phiên tòa xét xử; giảm số lượng vụ việc cơ quan thi hành án dân sự phải tổ chức cưỡng chế thi hành; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các cơ quan tư pháp, đương sự, Nhà nước và toàn xã hội.
Thực hiện Kế hoạch 301/KH-TANDTC, TPHCM đã thành lập 10 Trung tâm hòa giải - bao gồm Trung tâm hòa giải tại TAND TPHCM và tại 9 TAND quận, huyện (quận 1, quận 2, quận 9, quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, quận Bình Tân, quận Tân Phú, huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi) – thí điểm thực hiện từ ngày 1-11-2018.
Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM quyết định thành lập Ban chỉ đạo thành phố thực hiện thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND hai cấp (gọi tắt là Ban chỉ đạo) gồm 12 thành viên. Đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, Phó Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp TPHCM làm trưởng ban.
Tại hội nghị, Chánh án TAND TPHCM Ung Thị Xuân Hương cho biết những năm qua, TAND hai cấp TPHCM phải thụ lý và giải quyết các loại án lớn nhất cả nước về số lượng, đa dạng, phức tạp về tính chất, mức độ; đồng thời có một số vụ án hoàn toàn mới chưa có quy định của pháp luật và chưa có tiền lệ, trước tình hình biên chế chưa đáp ứng đủ yêu cầu và phải tinh giản 10% theo quy định dẫn đến áp lực rất lớn đối với TAND hai cấp TPHCM.
Tính đến ngày 6-11-2018, sau 5 ngày đi vào hoạt động, tòa án đã chuyển cho 10 Trung tâm hòa giải 655 hồ sơ khởi kiện các loại (trung bình mỗi hòa giải viên đã nhận 7 hồ sơ), dự kiến đến ngày 12-11-2018 sẽ tổ chức phiên hòa giải đầu tiên. Dự kiến trong tháng 11-2018, tòa án sẽ tiếp tục chuyển khoảng 2.000 vụ án cho các trung tâm hòa giải, đối thoại.
Với số lượng vụ án chỉ trong những ngày đầu tiên đi vào hoạt động cho thấy trong 2 tháng cuối năm cũng như 6 tháng thực hiện thí điểm, số lượng án mà tòa án chuyển sang các trung tâm hòa giải, đối thoại sẽ ngày càng tăng với số lượng không nhỏ; do đó đòi hỏi toàn thể bộ máy các trung tâm phải huy động hết khả năng để tăng số lượng các vụ án hòa giải, đối thoại thành.
Theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, phương thức hòa giải, đối thoại có 8 điểm ưu việt khi giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Trong đó, đáng chú ý là phương thức này giúp giải quyết các tranh chấp trên tinh thần đoàn kết, hàn gắn các rạn nứt, trên cơ sở đó ổn định trật tự an toàn xã hội; rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp, khiếu kiện và giảm tải công việc cho ngành tòa án; góp phần khắc phục những hạn chế của luật, trước hết là pháp luật hành chính…
Với tầm quan trọng của hoạt động thí điểm như đã nêu trên, đồng chí Nguyễn Hòa Bình đề nghị thành phố cần tăng cường tuyên truyền để người dân biết và sử dụng chế định này như một cơ chế bảo vệ quyền lợi của mình; chỉ đạo quận, huyện có văn bản yêu cầu các UBND phải tuân thủ chế định, cử người có trách nhiệm, hiểu biết công việc khi được các Trung tâm hòa giải mời tham gia quá trình hòa giải, đối thoại; cấp ủy kịp thời có ý kiến chỉ đạo trong những vụ việc khó, phức tạp trên cơ sở pháp luật, bảo vệ quyền lợi người dân, bảo vệ các chủ trương phát triển của thành phố.
“Các thẩm phán không được can thiệp quá sâu vào tiến trình hòa giải trước tố tụng mà chỉ được xác nhận kết quả hòa giải. Lãnh đạo thành phố cần thường xuyên cử người đến các Trung tâm hòa giải để theo dõi hoạt động, kịp thời tháo gỡ khó khăn. Các hòa giải viên, đối thoại viên tích cực nghiên cứu, áp dụng những kỹ năng, quy trình hòa giải, đối thoại đã được tập huấn; đồng thời vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm, uy tín của mình để triển khai trong thực tiễn. Bằng tấm lòng sẻ chia, sự cảm thông, các hòa giải viên có thể lay động trái tim hai bên để vụ việc được hòa giải thành công”, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trao đổi. |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang nhận định: thí điểm áp dụng hòa giải, đối thoại trước tố tụng tại tòa án là việc làm cụ thể hóa chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, phù hợp với quy định pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết và giảm áp lực về số lượng vụ việc tranh chấp dân sự, khiếu kiện tại tòa án. Để việc thí điểm được thực hiện hiệu quả, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM chỉ đạo 9 quận ủy, huyện ủy có thành lập Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND quận, huyện phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt đầy đủ, thống nhất nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của chủ trương thí điểm này trong cấp ủy các cấp trực thuộc HĐND, UBND, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ quận huyện đến phường xã để hỗ trợ thật tốt việc tổ chức và hoạt động của Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND quận – huyện.
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo theo dõi, nắm chắc tình hình tổ chức thực hiện hoạt động của Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND quận – huyện qua các vụ việc hòa giải, nghiên cứu rút kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện; kiến nghị sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật không còn phù hợp để góp phần giảm tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; đánh giá cơ sở pháp lý và thực tiễn của việc thí điểm mô hình này để tiếp tục nhân rộng.