Đại diện ban tổ chức cho biết, trung bình mỗi năm Việt Nam thải ra môi trường khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó chỉ 10% được tái chế, 90% còn lại được đem đi chôn lấp, hoặc thải ra môi trường. Rác thải nhựa không được thu gom đúng quy định đã và đang tác động nhiều đến môi trường sống, gây ô nhiễm nguồn nước, đất. Nhiều ý kiến cho rằng, để giải quyết vấn đề này cần sự chung tay của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và từng người dân.
TS Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang cho biết, phát triển kinh tế tuần hoàn đang là xu hướng chung trên thế giới. Với thực trạng tại Việt Nam, nếu rác thải được phân loại từ nguồn không chỉ giúp tối ưu hóa quá trình tái chế mà còn giảm đáng kể chi phí và hạn chế ô nhiễm môi trường. Việc nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ, nhất là các bạn sinh viên không chỉ giúp hình thành thói quen mà còn góp phần tạo ra một tương lai phát triển bền vững.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đỗ Thái Vương, Phó Tổng giám đốc phụ trách đối ngoại Công ty Suntory PepsiCo Việt Nam cũng cho biết, công ty không ngừng nỗ lực và cam kết phát triển bền vững. Thông qua các sáng kiến xanh trong sản xuất, trung bình mỗi năm, công ty giảm khoảng 5.700 tấn nhựa nguyên sinh, tương đương giảm phát thải 23.000 tấn CO2 ra môi trường.
Ông Nguyễn Thi, đại diện Bộ TN-MT cũng chia sẻ, để có thể giảm rác thải nhựa chúng ta cần những hành động thiết thực nhất. Luật bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 08/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật đã đưa ra các quy định về kinh tế tuần hoàn, bao gồm lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy; thúc đẩy phát triển các vật liệu, sản phẩm thân thiện môi trường; trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu đối với thu gom, xử lý bao bì sản phẩm…