Nguồn nước kêu cứu
Nhóm nghiên cứu của Viện Môi trường và Tài nguyên (MT-TN) đã chỉ ra, với khí hậu ôn hòa, được thụ hưởng nguồn phù sa nước ngọt dồi dào, nguồn nước lợ từ biển, ĐBSCL có điều kiện cực kỳ thuận lợi để sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, những lợi thế về nguồn nước ở ĐBSCL đang giảm dần thời gian qua.
Lý giải điều này, PGS-TS Châu Nguyễn Xuân Quang, Phó Viện trưởng Viện MT-TN, cho rằng, ĐBSCL nằm ở vùng hạ lưu lưu vực sông Mê Công, tiếp giáp biển, có địa hình thấp và phẳng (cao độ trung bình so với mực nước biển chỉ vào khoảng 1-1,8m). Do vậy, tài nguyên nước nơi đây rất nhạy cảm với những tác động từ thượng lưu, phía biển, hoạt động dân sinh kinh tế nội vùng cũng như BĐKH. Hoạt động khai thác tài nguyên đất, nước và nạn phá rừng quy mô lớn tại các quốc gia thượng nguồn Mê Công đã làm biến đổi sâu sắc chế độ dòng chảy và phù sa về ĐBSCL.
Không những vậy, nước biển dâng cùng với suy giảm lưu lượng thượng nguồn làm cho tình trạng xâm nhập mặn vùng ĐBSCL ngày càng tồi tệ hơn, như đợt xâm nhập mặn lịch sử vào mùa khô năm 2016, 2019. Nếu không có giải pháp hữu hiệu, trong khi tác động của BĐKH ngày càng mạnh (làm thay đổi mưa và nhiệt độ, góp phần gây ra hạn hán nghiêm trọng), dự báo nhiệt độ ở vùng ĐBSCL sẽ tăng 1,9-3,5°C vào năm 2099. ĐBSCL sẽ phải đối mặt với những thách thức về cạn kiệt nguồn nước ngầm, ô nhiễm nguồn nước và suy giảm đa dạng sinh học.
Với cơ cấu sản xuất chính là nông nghiệp (lúa và cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản) chủ yếu dựa vào nguồn nước nên những biến động về tài nguyên nước rất nhạy cảm với sinh kế của người dân. Tác động mạnh mẽ theo chiều hướng bất lợi của các yếu tố môi trường liên quan đến nước thời gian qua ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất sản xuất và phát triển lâu dài ở ĐBSCL.
Theo Hội Thủy lợi Việt Nam, người dân nuôi trồng thủy sản vùng nước lợ ở ĐBSCL được mùa thậm chí 2-3 năm liên tục, khi mưa thuận gió hòa. Nhưng chỉ một năm mưa quá nhiều, tôm nước lợ sẽ chết hoặc hạn gay gắt, nước mặn quá, tôm không lớn được cũng đều gây nhiều thiệt hại cho người nuôi. Và để có nước sạch phục vụ nuôi trồng thủy sản, người dân lại khai thác nước ngầm quá mức gây ra tình trạng sụt lún đất nghiêm trọng ở vùng ĐBSCL hiện nay.
Cần những giải pháp chiến lược
Nhiều ý kiến cho rằng, quản lý bền vững tài nguyên nước được xem là nền tảng căn bản cho sự an toàn, thịnh vượng, bền vững và thích ứng với BĐKH ở ĐBSCL. Dĩ nhiên, đó phải là những giải pháp thực tế, phù hợp đặc điểm của vùng.
Cũng theo Hội Thủy lợi Việt Nam, trước hết cần nghiên cứu quy luật của thiên nhiên để chủ động thích ứng. Kế đến, chủ động có giải pháp cấp nước ngọt cho vùng thủy sản để người dân giảm khai thác nước ngầm phục vụ sản xuất. Việc cấp nước ngọt cần đảm bảo đủ để pha loãng và cung ứng cho khu vực nuôi trồng vùng nước lợ. Thực tế cho thấy, chỉ cần có đường cấp và thoát riêng rẽ, vùng nuôi trồng sẽ phát triển bền vững, tránh được nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, lây lan dịch bệnh và gây tổn hại hoạt động sản xuất của người dân.
PGS-TS Châu Nguyễn Xuân Quang nhấn mạnh, để làm được giải pháp trên, cần xây dựng kế hoạch, chiến lược ứng phó theo hướng tiếp cận tổng thể và hành động cụ thể, ưu tiên những giải pháp nội vùng thay vì cố gắng thay đổi những tác động từ bên ngoài (phía thượng lưu và biển). Trên cơ sở đó, giảm thiểu rủi ro theo hướng ưu tiên tăng cường năng lực thích ứng và giảm nhẹ độ phơi nhiễm thay vì cố gắng giảm nguy cơ.
“Mặt khác, để phát triển bền vững tài nguyên nước ở ĐBSCL, chúng ta cần có một nghiên cứu kỹ về cung cầu sử dụng nước trong khu vực, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân trong việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn nước. Về lâu dài, cần có chiến lược bền vững, xây dựng các điểm chứa nước để đảm bảo đủ lượng nước cho sinh hoạt và phát triển kinh tế vùng”, PGS-TS Trương Thanh Cảnh, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM, chia sẻ.