Theo Bộ TN-MT, nguồn nước đang bị suy giảm, cạn kiệt và ô nhiễm, ảnh hưởng nhiều đến phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của người dân. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể kể đến như: nguồn nước thải sinh hoạt ở các đô thị, nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, các làng nghề chưa được thu gom, xử lý triệt để (tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị mới chỉ được xử lý khoảng 12-15%); lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón trong trồng trọt và chất thải chăn nuôi; việc khai thác, sử dụng nguồn nước chưa hợp lý. Cùng với đó, biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh mẽ đến nguồn nước. Nhiều mối rủi ro liên quan đến nước như bão lũ, ngập lụt, sạt lở, chiếm 87,6%-91% tổng số các loại hình thiên tai, làm ảnh hưởng đến hơn 70% dân số và gây thiệt hại vật chất khoảng 1%-1,5% GDP/năm, nhất là lũ ở khu vực miền Trung ngày càng gia tăng.
Vận hành hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tại Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (huyện Bình Chánh, TPHCM) |
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, nguồn nước của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ “quá thừa, quá thiếu và quá bẩn”. Bên cạnh đó, vấn đề xâm nhập mặn đang diễn ra ở hầu hết cửa sông ven biển thuộc lưu vực sông Hồng - Thái Bình, Vu Gia - Thu Bồn, Đồng Nai và Cửu Long với phạm vi và mức độ khác nhau, trong đó diễn ra gay gắt và ảnh hưởng lớn nhất là ở ĐBSCL. Ô nhiễm nguồn nước đang nổi lên là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế của Việt Nam và có thể làm giảm 4,3% GDP mỗi năm. Nếu Việt Nam xử lý hiệu quả được khối lượng nước thải thì GDP sẽ tăng 2,3%/năm vào năm 2035.
Nhìn nhận về vấn đề này, bà Nguyễn Quỳnh Anh, Ban điều hành Mạng lưới các nhà khoa học và công nghệ Đông Nam Á, cho biết, nguồn nước ở Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, như phụ thuộc vào nguồn nước bên ngoài quá nhiều (63%) dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường. Hiện nay vẫn còn khoảng 85% lượng nước thải đô thị chưa được xử lý và xả thẳng ra môi trường. Trong khi đó, hiệu quả sử dụng nước còn thấp (mỗi mét khối nước chỉ tạo ra 2,37 USD, bằng 1/10 so với mức trung bình của thế giới là 19,42 USD). Dự kiến, Việt Nam sẽ tiêu tốn khoảng 12,4-18,6 triệu USD mỗi ngày cho chi phí xử lý nước vào năm 2030.
Đồng bộ giải pháp
Theo bà Nguyễn Quỳnh Anh, để đảm bảo an ninh nguồn nước phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam cần triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Tăng cường đầu tư, nâng cấp hệ thống thu gom, xử lý nước thải và hệ thống cấp thoát nước. Các cơ quan, ban ngành cần “mạnh tay” hơn với các hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.
Bà Sally Armstrong, Trưởng ban Chương trình Hợp tác quốc tế và Công nghiệp, Hội Nước Australia, cũng cho biết, hiện nay, công nghệ có thể hỗ trợ nhiều trong việc cải thiện khả năng thích ứng của ngành nước trong điều kiện biến đổi khí hậu. Do vậy, Việt Nam cần tăng cường nghiên cứu, hợp tác chuyển giao khoa học và công nghệ nhằm xây dựng các biện pháp, giải pháp phù hợp để đảm bảo an ninh nguồn nước. Cần ưu tiên đối với các hoạt động quan trắc, dự báo, cảnh báo; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Bà Sally Armstrong nhấn mạnh, với những thế mạnh và tiềm năng về công nghệ, Australia sẵn sàng hỗ trợ và đồng hành Việt Nam để giải quyết những vấn đề tồn tại của ngành nước.
Về vấn đề này, TS Tống Thị Mỹ Thi, Giám đốc Trung tâm Kinh tế xanh và Bền vững, Viện Kinh tế Việt Nam, đề xuất, Việt Nam cần có cơ chế, chính sách phát triển các công cụ tạo thị trường để tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị nước. Đồng thời, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong quản lý nguồn nước. Cùng đó là phải thay đổi hệ thống thuế, phí cấp nước để tăng ngân sách đầu tư cho tuần hoàn nước, từ đó góp phần điều chỉnh hành vi của người sản xuất và người tiêu dùng trong việc sử dụng hợp lý nguồn nước. Kế tiếp là đẩy mạnh ngoại giao về nước với các quốc gia có chung nguồn nước với Việt Nam và các đối tác quốc tế khác thông qua đổi mới sáng tạo, sáng kiến trong cách tiếp cận quản lý, sử dụng, khai thác bền vững nguồn nước xuyên biên giới.
Theo Sở TN-MT TPHCM, thời gian qua, TPHCM đã thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ chất lượng nguồn nước mặt. Theo đó, TPHCM đã thực hiện tốt công tác quy hoạch, gắn liền với cải tạo các khu dân cư xuống cấp, di dời các hộ dân sống trên sông, kênh rạch; di dời các khu vực nhà máy, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nằm trong khu dân cư. Ngoài ra, TPHCM đã xây dựng, hoàn thành 3 nhà máy xử lý nước thải tập trung, gồm: Nhà máy xử lý nước Bình Hưng - giai đoạn 1 công suất 141.000m3/ngày, Nhà máy Bình Hưng Hòa công suất 30.000m3/ngày, Nhà máy Tham Lương - Bến Cát công suất 131.000m3/ngày. Theo kế hoạch, giai đoạn 2020-2025, khi hoàn thành Nhà máy xử lý nước Bình Hưng - giai đoạn 2 (469.000m3/ngày), Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè (480.000m3/ngày) và xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cống bao cũng như phát huy công suất của Nhà máy Tham Lương - Bến Cát thì tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý sẽ đạt 77,48%. Về công tác thanh tra, kiểm tra, thành phố cũng đã xử lý 120 trường hợp liên quan đến các hành vi khai thác nước vượt lưu lượng cho phép; xả nước thải vượt lưu lượng, quy chuẩn giấy phép được cấp.