Nguy cơ thiếu hụt nguồn nước sạch
Theo đánh giá của nhiều cơ quan nghiên cứu về tài nguyên nước, hiện có khoảng 1/3 số quốc gia trên thế giới bị thiếu nước và đến 2025 con số này sẽ là 2/3, với khoảng 35% dân số thế giới sẽ rơi vào tình cảnh thiếu nước nghiêm trọng. Ở một số quốc gia, lượng nước cho mỗi đầu người đang bị giảm đáng kể. Hội nghị về nước của Liên hiệp quốc vào năm 1997 đã thống nhất “Tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác, địa vị kinh tế, xã hội đều có quyền tiếp cận nước uống với số lượng và chất lượng đảm bảo cho các nhu cầu cơ bản của mình”. Theo đó, tiếp cận với nước uống là quyền cơ bản của con người. Tuy nhiên, cho đến nay, số người thiếu nước uống sạch, an toàn vẫn đang không ngừng gia tăng. Vì vậy, mối lo về nước không phải của riêng một quốc gia nào.
Theo Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN-MT), Việt Nam là một quốc gia đã, đang và sẽ phải chịu nhiều thách thức về an ninh nguồn nước đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tình trạng suy thoái, cạn kiệt nguồn nước mặt, nước ngầm, thiếu nước, khan hiếm nước càng trở nên phổ biến hơn. Sự khan hiếm nước ngọt theo dự báo sẽ tăng lên theo thời gian, do nhu cầu sử dụng nước tăng, dân số tăng, tài nguyên nước không phù hợp và đầu tư vào cơ sở hạ tầng không đầy đủ.
Nguyên nhân dẫn đến nguồn nước hiện nay đang bị suy giảm cả về chất lượng lẫn số lượng là do hơn 90% nguồn nước thải sinh hoạt không được xử lý mà cứ thải thẳng ra kênh rạch, ao hồ; sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu dùng trong nông nghiệp hiện đang gây ra những áp lực không ngừng đối với các lưu vực sông. Không chỉ thế, hơn 2/3 lượng nước trên các hệ thống sông của Việt Nam được hình thành từ ngoài lãnh thổ, trong khi cơ chế, chính sách hợp tác, chia sẻ nguồn nước giữa các quốc gia chưa hiệu quả.
Sức ép về dân số và chất lượng cuộc sống tiếp tục gia tăng trong một vài thập niên tới. Dự báo năm 2020, dân số Việt Nam tăng lên khoảng 98 triệu người và sẽ ổn định ở mức 120 triệu người trong vòng 2-3 thập niên nữa. Sự gia tăng dân số và yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống sẽ cần nhiều nước hơn cho phát triển sản xuất và dân sinh là thách thức lớn nhất đối với sự phát triển và quản lý tài nguyên nước quốc gia.
Cần giải pháp mang tính đột phá
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho biết nếu như không có những hành động quyết liệt thì tài nguyên nước - một yếu tố động lực đã và đang thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng của Việt Nam - sẽ trở thành một cản trở của sự phát triển. Nếu hành động sớm thì sẽ đảm bảo được rằng tài nguyên nước vẫn sẽ tiếp tục là một yếu tố chủ chốt giúp Việt Nam phát triển thịnh vượng hơn. Ngân hàng Thế giới cũng khuyến nghị, nhằm cải thiện việc quản trị, quản lý và cơ chế tài chính cho tài nguyên nước, chúng ta cần tăng cường năng lực cho các cơ quan chịu trách nhiệm hoạch định và thực thi các quy định về quản lý nước; áp dụng cách tiếp cận tổng hợp ở quy mô lưu vực sông…
Hơn nữa cần có cải thiện trong công tác ứng phó với thiên tai và đảm bảo khả năng chống chịu trước các hiện tượng lũ lụt gia tăng, xói lở bờ sông, bờ biển với tốc độ nhanh hơn, tình trạng nước biển dâng và sụt lún đất. Bên cạnh đó, cải thiện chất lượng chi tiêu công và khuyến khích huy động nguồn vốn tư nhân là một việc cần thiết phải làm, để mở rộng nguồn tài chính cho cải thiện công tác quản lý tài nguyên nước.
Hiện tại, TPHCM mới có 29 điểm quan trắc thủ công trên sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, 32 điểm quan trắc nước mặt kênh rạch nội thành. TPHCM hiện chưa có trạm quan trắc nước mặt tự động nên không đánh giá, phân tích, theo dõi kịp thời diễn biến chất lượng nguồn nước mặt trên địa bàn. Theo Sở TN-MT TPHCM, triển khai Đề án Phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường TPHCM đến năm 2021, thành phố sẽ có 12 trạm quan trắc môi trường nước tự động.
Trong đó, có 8 trạm trên sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, 4 trạm trên hệ thống kênh rạch. Để tăng cường công tác bảo đảm an ninh nguồn nước, UBND TPHCM cũng đã chỉ đạo Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn cùng Sở Xây dựng, Sở TN-MT, Sở NN-PTNT gấp rút xây dựng kế hoạch cấp nước an toàn và an ninh nguồn nước cho thành phố. Ngoài ra, các đơn vị này phải tổ chức quan trắc, kiểm soát ô nhiễm chất lượng nguồn nước sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, kênh Đông. Qua đó, đề ra giải pháp ngăn chặn xả thải gây ô nhiễm nguồn nước từ các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu dân cư trên địa bàn.