Tăng cường đối thoại để hiểu mong muốn của người dân ​

Ngày 16-12, đoàn công tác Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở TPHCM do đồng chí Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc, trao đổi kinh nghiệm về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại tỉnh Quảng Ninh.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Trần Kim Yến trao đổi tại buổi làm việc tại tỉnh Quảng Ninh
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Trần Kim Yến trao đổi tại buổi làm việc tại tỉnh Quảng Ninh

Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh.

Công khai để thực hiện dân chủ ở cơ sở

Đoàn công tác 2 bên đã có buổi trao đổi học tập kinh nghiệm về công tác tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện quy chế dân chủ (QCDC); công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp; công tác đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, người đứng đầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh với nhân dân; việc triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” và tổ chức, đánh giá, công nhận và nhân rộng các mô hình tiêu biểu trên địa bàn TPHCM.

Đồng chí Nguyễn Văn Hồi cho biết, trong những năm qua, Quảng Ninh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác dân chủ tại cơ sở. Dù bị ảnh hưởng lớn do dịch Covid-19, song với sự sáng tạo, chủ động, linh hoạt thích ứng an toàn, tỉnh Quảng Ninh trở thành một điểm sáng về sự chủ động trong phòng, chống dịch, giữ vững địa bàn an toàn, ổn định. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tỉnh Quảng Ninh năm 2022 ước đạt 10,28%, thu ngân sách nhà nước đạt trên 55.000 tỷ đồng. Nhiều mô hình, cách làm trong công tác dân vận đạt được hiệu quả cao như: "Chiến dịch Quang Trung" xây dựng Sân bay Vân Đồn đã di dời hơn 500 ngôi mộ sau 1 tháng, hay chiến dịch 30 ngày đêm đã giải phóng mặt bằng đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái dài 80km với 1168 hộ dân bị ảnh hưởng.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Hồi, những thành tựu mà Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh có được trong thời gian qua là kết quả của sự đoàn kết, nỗ lực, vận dụng và tổ chức thực hiện sáng tạo, hiệu quả đường lối đổi mới của Đảng. Trong kết quả đó, có vai trò rất quan trọng về triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở.

Những năm qua, việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở tại tỉnh Quảng Ninh được vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt, quyết liệt. Hằng năm, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh tới cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về chủ đề công tác năm và các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Chính việc công khai để nhân dân biết, bàn, tham gia ý kiến được chính quyền cơ sở thực hiện nghiêm túc, đã huy động được sự tham gia tích cực từ phía người dân trong tham gia các vấn đề quan trọng của tình nhà.

Đặc biệt, Tỉnh ủy Quảng Ninh chỉ đạo, triển khai việc giao ban, đối thoại giữa thường trực cấp ủy với đội ngũ bí thư chi bộ; trưởng thôn, khu; trưởng ban công tác mặt trận các thôn, bản, khu phố. Thông qua đó, nhiều ý kiến, kiến nghị và hiến kế của cán bộ thôn, bản, khu phố được quan tâm, tiếp thu và giải quyết kịp thời, trực tiếp ngay tại cơ sở.

Tăng cường đối thoại để hiểu mong muốn của người dân ​ ảnh 1 Đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh trao đổi các kinh nghiệm, mô hình dân vận

Theo đại diện Ban Dân vận tỉnh Quảng Ninh, để thực hiện tốt QCDC ở cơ sở thì cần sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực, chủ động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, cần phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đồng thời, cần thực hiện tốt chế độ dân chủ trực tiếp ở cấp cơ sở để nhân dân bàn bạc và quyết định trực tiếp những công việc quan trọng thiết thực, gắn liền với quyền, lợi ích của mình. Chính phương châm công khai, minh bạch là “chìa khóa” để thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở.

Giải quyết các vấn đề vướng mắc, khó khăn trong dân

Thời gian qua, Thành ủy TPHCM luôn xác định việc thực hiện công tác dân vận gắn với phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở có vị trí, vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, chỉnh trang đô thị, đẩy nhanh hiệu quả xây dựng và phát triển TPHCM. Nét nổi bật trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của TPHCM là đã chú trọng chỉ đạo, đi sâu vào nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể những vấn đề mới, khó, vướng mắc trong thực tiễn. Từ đó vận dụng quy chế dân chủ cơ sở vào từng lĩnh vực phù hợp với đặc điểm đối tượng và tình hình cụ thể từng địa phương.

TPHCM đã ban hành các Quyết định về Quy chế tiếp xúc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu chính quyền với nhân dân. Qua 5 năm thực hiện, với nhiều giải pháp, cách làm phù hợp, công tác tiếp xúc, đối thoại được thực hiện với nhiều hình thức, nội dung phong phú, thiết thực. Nhiều nội dung, sự việc qua tiếp xúc, đối thoại được giải quyết, khắc phục kịp thời, tạo niềm tin với nhân dân… Đặc biệt, trong giai đoạn TPHCM thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19, lãnh đạo chính quyền Thành phố đã đối thoại 20 kỳ trực tuyến với người dân, qua chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” với các chủ đề khác nhau.

Tăng cường đối thoại để hiểu mong muốn của người dân ​ ảnh 2 Đoàn đại biểu TPHCM tặng quà lưu niệm đến Ban Dân vận tỉnh Quảng Ninh
Ngoài ra, công tác giám sát cũng được TPHCM thực hiện chặt chẽ. TPHCM đã hình thành các mô hình giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đối với đối tượng giám sát cụ thể. Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở xã, phường, thị trấn cũng phát huy tốt quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân khi tham gia bàn bạc góp ý các công việc thiết thực gắn liền với lợi ích, nghĩa vụ của nhân dân như: kinh phí nâng cấp các tuyến đường, hẻm, chương trình xây dựng nông thôn mới, lắp đặt camera an ninh, chăm lo các đối tượng, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

Qua hơn 4 năm thực hiện, nhiều mô hình, cách làm từ Thành phố đến cơ sở, đạt nhiều kết quả thiết thực. Từ đó nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, người lao động, các tầng lớp nhân dân và các doanh nghiệp trong thực hiện các vấn đề trong cuộc sống. Thành phố đã chuyển đổi gần 1.000 điểm đen về rác, tồn đọng rác thải, nước thải gây ô nhiễm môi trường thành vườn hoa, sân chơi, công viên, sân tập thể dục, giảm sử dụng túi ni-lông, hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần… tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Đồng chí Trần Kim Yến gửi lời cảm ơn Ban Dân vận Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh đã dành thời gian đón tiếp và nhiệt tình chia sẻ các kinh nghiệm quý về công tác dân vận. Đồng chí Trần Kim Yến bày tỏ Đoàn công tác TPHCM đã tiếp thu được rất nhiều kinh nghiệm thiết thực triển khai công tác dân vận từ tỉnh Quảng Ninh. Đoàn công tác sẽ nghiên cứu tài liệu và trao đổi, học tập kinh nghiệm để lựa chọn tiếp thu những điểm mới, mô hình phù hợp để có thể triển khai thí điểm tại các dự án trọng điểm tại TPHCM.

Tăng cường đối thoại để hiểu mong muốn của người dân ​ ảnh 3 Các đại biểu tham quan Bảo tảng tỉnh Quảng Ninh

Trong khuôn khổ chương trình công tác, Đoàn đã đi thăm các công trình trọng điểm về văn hóa, kinh tế, xã hội của tỉnh Quảng Ninh như: Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh, Cảng tàu khách Quốc tế TP Hạ Long, Trường THPT Hòn Giai – một mô hình trường học đa năng, tiên tiến tại tỉnh Quảng Ninh.

Tin cùng chuyên mục