Tại hội thảo, ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC, cho biết, năm 2022, thị trường logistics toàn cầu đã phục hồi, chi phí logistics đã giảm nhẹ; các doanh nghiệp logistics đã bước đầu ổn định chuỗi cung ứng, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hạ tầng logistics, nhất là với khu vực Đông Nam bộ đang xuống cấp và không đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động tiêu thụ và xuất nhập khẩu hàng hóa.
Khảo sát thực tế cho thấy, hiện cả nước có hơn 14.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics nhưng phần lớn có quy mô vừa và nhỏ, tập trung chủ yếu khu vực TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai; chi phí logistics còn cao, sự liên kết giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu chưa đạt hiệu quả như mong đợi…
Để nâng cao khả năng phát triển đồng bộ, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đều cho rằng, cần tăng cường hơn các hoạt động thu hút vốn đầu tư, nâng cao tính tự chủ của địa phương trong việc vận hành cơ sở hạ tầng, triển khai hoạt động logistics để hệ thống logistics đạt hiệu quả tốt hơn, chất lượng hơn, tăng cường đầu tư hạ tầng logistics vùng Đông Nam bộ.
Việc kết nối hạ tầng vùng là một bài toán khó, đòi hỏi các địa phương phải cùng chung tay, phát huy tiềm lực của địa phương mình, cùng với đó là đóng góp các sáng kiến nhằm hoàn thiện, thúc đẩy hoạt động logistics vùng thuận lợi nhất.