Tăng cường đà xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt

Ngày 6-6, tại hội thảo thúc đẩy đà xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm, đại diện Bộ Công thương cho biết, 15% là đà tăng trưởng xuất khẩu hàng Việt sau 5 tháng đầu năm. Những ngành hàng được ghi nhận có đà phục hồi tốt là thời trang, nội thất và gia dụng.

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công thương cho biết, ghi nhận thực tế cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành dệt may của Việt Nam từ đầu năm đến nay đạt 12,8 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ; nhóm ngành da giày, túi xách đạt gần 7,9 tỷ USD, tăng 7,3%; sản phẩm đồ gỗ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành nội thất và đồ gia dụng cũng đạt 4,9 tỷ USD, tăng hơn 25% so với năm ngoái.

28857c6983c0239e7ad116.jpg
Thời trang Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh vì chất lượng tốt hơn và thị phần rộng hơn

Lý giải vấn đề này, bà Dương Thị Minh Tuệ, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cho biết, Hoa Kỳ đang có những động thái về khả năng cắt giảm lãi suất, kích cầu tiêu dùng trở lại, mở rộng nhu cầu xuất nhập khẩu. Còn thị trường châu Âu cũng đã vượt qua giai đoạn suy thoái, lượng tồn kho của giai đoạn trước đã hết, bắt đầu tăng nhập khẩu trở lại. Nhiều doanh nghiệp ngành gỗ nói chung đã có đơn hàng đến cuối năm 2024.

Về lĩnh vực dệt may, ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may năm 2024 đặt ra là 44 tỷ USD. Qua thực tế 5 tháng đầu năm, tình hình đơn hàng doanh nghiệp dệt may đã cải thiện tích cực. Nhìn một cách tổng quát, nhóm các mặt hàng thời trang Việt Nam đang có nhiều lợi thế cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, khả năng đáp ứng các yêu cầu khắt khe về lao động, môi trường. Quan trọng hơn, thời trang Việt Nam đang được lợi thế tiềm năng thị trường rộng lớn từ nhiều ưu đãi cộng hưởng của 16 Hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng của các nhóm ngành này chưa phản ánh sự hồi phục hoàn toàn của thị trường toàn cầu, đặc biệt là tại các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản….

Ở góc độ khác, nhiều doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn bởi các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Hoa Kỳ, EU, các nước Đông Bắc Á hay các nước CPTPP ngày càng đặt ra những tiêu chuẩn mới, khắt khe hơn liên quan đến xanh hóa chuỗi sản xuất và cung ứng, các tiêu chí phát triển bền vững, sản xuất tuần hoàn… Đơn cử như trong ngành dệt may, da giày, các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải vượt qua hàng loạt các “hàng rào xanh” khi tiếp cận các thị trường phát triển, đặc biệt là khối EU. Mới đây nhất, chỉ thị Thẩm định Tính bền vững của Doanh nghiệp (CS3D) đã được Nghị viện châu Âu bỏ phiếu thông qua và dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-7-2024.

Còn đối với ngành hàng nội thất, đồ gỗ, đồ gia dụng, các đạo luật sửa đổi và mới được ban hành tại Hoa Kỳ, EU, đặt ra yêu cầu cao hơn về truy xuất nguồn gốc gỗ, chứng nhận an toàn, báo cáo của doanh nghiệp, cũng như quy định về chế độ quản lý rừng, sử dụng hóa chất… cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Do vậy, để có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường, giúp lấy lại đà tăng trưởng cho các ngành hàng thế mạnh kể trên thì việc chuyển đổi xanh song song với áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn là xu hướng phát triển tất yếu. Bên cạnh đó, với đặc thù là những ngành hàng đòi hỏi phải liên tục thay đổi mẫu mã, phù hợp với xu thế, thị hiếu thị trường, doanh nghiệp trong lĩnh vực cần luôn chủ động, có chiến lược rõ ràng và cập nhật xu hướng và thị hiếu thường xuyên tại các thị trường xuất khẩu.

“Các doanh nghiệp thời trang, nội thất, gia dụng cần phải định hình lại quy trình sản xuất và đầu tư vào công nghệ xanh để tối ưu hóa quy trình sản xuất và giảm thiểu lượng chất thải. Ngoài ra, việc xây dựng một chuỗi cung ứng bền vững cũng đóng vai trò quan trọng. Các doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ với các nhà cung ứng để đảm bảo rằng nguyên liệu và sản phẩm được sản xuất, vận chuyển một cách bền vững, hiệu quả. Bên cạnh đó các doanh nghiệp thời trang, nội thất, gia dụng cần chủ động đầu tư, áp dụng chuyển đổi số vào sản xuất và quản lý. Từ đó tạo ra các cơ hội tiếp cận các thị trường quốc tế” - ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) khẳng định.

Tin cùng chuyên mục