Hàng bình ổn chiếm 35%-50% nhu cầu thị trường
Mới đây, tại buổi làm việc giữa Sở Công thương với các hệ thống phân phối có quy mô lớn tại TPHCM, các DN đều cho biết đã lên kế hoạch, sẵn sàng cung ứng hàng hóa có chất lượng, giá cả tốt nhất để khách hàng an tâm mua sắm. Bên cạnh đó, các DN cũng đồng loạt triển khai nhiều chương trình khuyến mãi với quy mô lớn để kích cầu tiêu dùng trong mùa dịch.
Cụ thể, tại Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) đã chuẩn bị lượng hàng hóa lớn đảm bảo lượng cung ứng ra thị trường nên người tiêu dùng không lo thiếu hàng hóa, nhất là nhóm hàng thiết yếu phục vụ bữa ăn hàng ngày.
Saigon Co.op cũng đã phối hợp với hàng trăm nhà cung cấp, đối tác cùng chốt phương án thực hiện giảm giá hàng hóa toàn bộ trong tháng 8 này. Ưu tiên giảm giá hàng đầu vẫn là các loại thực phẩm tươi sống.
Song song với việc tập trung giảm giá các loại thịt, cá, dầu ăn, mì gói, hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food cũng áp dụng giảm giá 10%-30% cho hàng loạt gia vị như hạt nêm, bột ngọt, nước tương, tương ớt, nước mắm, các loại sốt trong nước và nhập khẩu.
Nhóm dụng cụ nhà bếp gồm các loại lò, nồi, dao, nồi cơm điện…. giảm giá trung bình 40%. Các loại rau củ quả giảm giá trung bình 20%. Các loại sữa tắm, nước giặt, nước xả vải, nước rửa chén giảm giá gần 70% khi mua sản phẩm thứ 2 cùng loại. Ngoài ra còn có chương trình tặng điểm thưởng khủng vào các thứ ba hàng tuần, chương trình tặng túi thân thiện với môi trường.
Saigon Co.op cũng đang triển khai Chương trình Tự hào hàng Việt 2020, thực hiện liên tục trong 21 ngày (từ 20-8 đến 9-9-2020) với 10 hoạt động chính: tặng quà và phiếu mua hàng cho khách hàng, tích lũy “Sao hàng Việt” để được tặng quà hoặc phiếu mua hàng; khách hàng mua sắm trong khu tự chọn của siêu thị vào thời điểm thực hiện giờ vàng sẽ được lựa chọn ngẫu nhiên trúng thưởng quà tặng của chương trình.
Mỗi khách hàng trúng thưởng được nhận 1 phiếu mua hàng trị giá 500.000 đồng; mua 2 tính tiền 1 vào các ngày đầu tuần tại hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opmart SCA và Co.opXtra.
Ngoài ra, từ 25-8-2020 đến cuối năm, Saigon Co.op sẽ thực hiện chương trình tặng khẩu trang vải kháng khuẩn cho các khách hàng có thẻ thành viên Saigon Co.op, với tổng giá trị 50 tỷ đồng.
Tương tự, tại 3 hệ thống siêu thị là MM Mega Market, Big C, Go! cũng chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, phong phú để đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm của khách hàng. Ngoài việc tổ chức các chương trình khuyến mãi giảm giá bán, các siêu thị này còn tổ chức bán mặt hàng thịt heo không lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.
Theo tính toán của bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, ở nhóm các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân phòng chống dịch, sở đã lên kế hoạch chuẩn bị cung ứng đầy đủ và liên tục trong 3 tháng (từ ngày 1-8 đến 31-10), gồm khẩu trang các loại (trừ khẩu trang chuyên dụng ngành y tế) là 57,5 triệu cái; nước rửa tay sát khuẩn 3,29 triệu chai, tương ứng với 1,2 triệu lít.
Đối với nhóm các mặt hàng lương thực, thực phẩm, các tháng trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp, TP sẽ tung ra lượng hàng bình ổn chiếm từ 35%-50% nhu cầu thị trường, gồm: lương thực 3.830,7 tấn/tháng; đường 2.017,5 tấn/tháng; thực phẩm chế biến 803,9 tấn/tháng; dầu ăn 1.072,5 tấn/tháng; thịt gia súc 6.788,5 tấn/tháng; thịt gia cầm 8.748 tấn/tháng; trứng gia cầm 71,9 triệu quả/tháng; rau củ quả 7.395 tấn/tháng; thủy hải sản 84,5 tấn/tháng; gia vị 634,8 tấn/tháng.
Ở nhóm các mặt hàng sữa, TPHCM hiện bình ổn đối với 4 nhóm sữa, gồm: sữa bột dành cho trẻ em, sữa bột dành cho bà mẹ mang thai, sữa bột chức năng (dành cho người cao tuổi, người bệnh, người gầy, giảm cân và bệnh tiểu đường), sữa nước dinh dưỡng bổ sung vi chất (gồm sữa nước, sữa chua uống). Lượng sữa tham gia bình ổn thị trường trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp phòng chống dịch Covid-19 là 157,7 tấn/tháng (sữa bột) và 988.051,2 lít sữa nước/tháng.
Tăng kiểm tra, giám sát thị trường
Để ổn định thị trường và giá cả hàng hóa, UBND TP và Tổng cục QLTT đã chỉ đạo các lực lượng 389 của TP tăng cường kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết bị y tế góp phần đẩy lùi dịch Covid-19.
Trong những ngày qua, lực lượng 389 của TPHCM đã tăng cường nhân lực kiểm soát hoạt động sản xuất, buôn bán trang thiết bị y tế, qua đó đã phát hiện nhiều vụ sản xuất, chứa trữ khẩu trang, găng tay y tế trái phép với số lượng lớn.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết nhóm các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu hiện đang được phân phối tại gần 3.000 điểm bán trên địa bàn TP; luôn đảm bảo nguồn hàng dồi dào, đa dạng, phong phú và được bổ sung liên tục lên các quầy kệ. Đến nay, TP chưa phát hiện tình trạng người dân thu gom, tích trữ hàng hóa, tăng giá đột biến. |
Trước đó, ngày 3-8, lực lượng Công an TPHCM kiểm tra căn hộ số 951/22, đường Hương lộ 2, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân phát hiện 32 công nhân đang sản xuất găng tay y tế giả nhãn hiệu của một DN khác. Tại hiện trường, lực lượng kiểm ra tạm giữ 2.370 thùng (2,3 triệu chiếc) găng tay giả, trị giá hàng vi phạm khoảng hơn 3 tỷ đồng.
Vào cuối tháng 7-2020, Tổng cục QLTT và cơ quan chức năng của TPHCM đã tạm giữ hơn 151.000 chiếc khẩu trang 3M giả tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thiết bị Nam Anh, quận Tân Phú. Dù là hàng giả nhãn hiệu của công ty khác nhưng trên trang web, DN này đã quảng cáo là DN hàng đầu Việt Nam, chuyên sản xuất, phân phối 8 loại khẩu trang y tế chất lượng cao cho thị trường trong và ngoài nước.
Như vậy, tính từ đầu tháng 8-2020 đến nay, hàng triệu sản phẩm trang thiết bị y tế như khẩu trang, găng tay, nước diệt khuẩn kinh doanh trái phép đã được các lực lượng chức năng của TP phát hiện và thu giữ.
Ngày 4-8 vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP, Sở Công thương đã có công văn gửi UBND 24 quận huyện danh sách mạng lưới điểm bán khẩu trang vải kháng khuẩn trên địa bàn để người dân có điều kiện thuận lợi tiếp cận với mặt hàng có chất lượng, giá cả phù hợp, tạo sự chủ động trong việc thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình và cộng đồng theo quy định. |