Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và chỉ đạo hội thảo.
Tham dự hội thảo có gần 200 đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại diện các cơ quan quản lý, các cơ quan chủ quản báo chí, các báo, tạp chí, đài phát thanh-truyền hình trong cả nước.
Hội thảo có gần 60 bài tham luận, bên cạnh đó có nhiều ý kiến tham luận trực tiếp tại hội thảo đã tập trung, đánh giá vai trò trách nhiệm, kết quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy Đảng đối với hoạt động cơ quan báo chí; các ý kiến tại hội thảo cũng tập trung đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, tổ chức Đảng trong hoạt động cơ quan báo chí, góp phần bảo đảm báo chí hoạt động đúng định hướng, tôn chỉ mục đích.
Các tham luận và các ý kiến trực tiếp tại hội thảo thể hiện sự dày công nghiên cứu những vấn đề lý luận, những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả từ thực tế hoạt động của tổ chức đảng trong cơ quan báo chí.
Một số ý kiến, tham luận chỉ ra những hạn chế, yếu kém của hoạt động báo chí. Điển hình là tình trạng mất dân chủ, buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo; công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cán bộ, đảng viên, phóng viên, biên tập viên chưa được chú trọng, thiếu chiều sâu, chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn.
Bân cạnh đó, vẫn còn có hiện tượng một số cơ quan báo chí thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng về công tác tư tưởng, văn hóa; thậm chí có biểu hiện xa rời sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, rời xa tôn chỉ mục đích; một số bài báo có thông tin không trung thực, thiếu chính xác; một số cơ quan báo chí phản ánh nhiều về tiêu cực xã hội và tệ nạn xã hội, ít tuyên truyền về các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt.
Ngoài ra còn có hiện tượng lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi, vi phạm pháp luật, tác động tiêu cực, gây bức xúc trong xã hội…
Các đại biểu cũng thừa nhận, cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa diễn ra ngày càng phức tạp, gay gắt cùng sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình truyền thông trên internet đã đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng, đổi mới phương thức hoạt động báo chí để đáp ứng những đòi hỏi của công tác thông tin, tuyên truyền trong tình hình mới.
Để thực hiện tốt vai trò là vũ khí sắc bén trong công tác tư tưởng, phát huy vai trò trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng trong cơ quan báo chí cần nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí, tầm quan trọng, nhất là những vấn đề mới, phát sinh từ thực tiễn để đề xuất nội dung, giải pháp tăng cường công tác xây dựng Đảng.
Các ý kiến tại hội thảo cũng tập trung giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn cũng như những nguyên tắc, nội dung, phương pháp đặc thù về công tác xây dựng Đảng trong cơ quan báo chí hiện nay, dự báo trong thời gian tới.
Nêu lên thực trạng công tác xây dựng Đảng trên bốn phương diện: tư tưởng, chính trị, tổ chức và đạo đức; đi sâu phân tích nguyên nhân của kết quả, hạn chế, khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí và đề xuất giải pháp tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí thiết thực, hiệu quả.
Bên cạnh đó là nêu bật những vấn đề đổi mới về phương thức lãnh đạo của Đảng trong cơ quan báo chí; nhất là những phương pháp mới, phù hợp với yêu cầu hiện tại, vừa bảo đảm nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, phát huy tốt nhất vai trò lãnh đạo của Đảng ở các cơ quan báo chí.
Trên cơ sở những kết quả, mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả, đúc rút thành kinh nghiệm, giải pháp, kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện chủ trương lãnh đạo, quy định pháp luật về báo chí; giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong các cơ quan báo chí; thực hiện xây dựng, quy hoạch các cơ quan báo chí thời gian tới...
Hơn bao giờ hết, việc xây dựng Đảng về đạo đức trong các cơ quan báo chí cần được quan tâm thực hiện; cán bộ, đảng viên trong các cơ quan báo chí không chỉ chấp hành đúng các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực báo chí, mà hơn thế nữa, cần phát huy chuẩn mực đạo đức của người làm báo cách mạng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện tốt quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị để phát huy văn hóa báo chí cách mạng, thích ứng với xu hướng báo chí đa phương tiện, sử dụng "trí tuệ nhân tạo" và cung cấp định hướng nội dung trong “thế giới phẳng"; vững vàng vượt qua thách thức của truyền thông xã hội đang có xu hướng chi phối, lấn át, thậm chí có hiện tượng bị mạng xã hội dẫn dắt bởi các tin tức không kiểm chứng và giả mạo.