Thông tin từ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, phụ nữ DTTS là nhóm yếu thế trên thị trường lao động, có trình độ học vấn thấp, tỷ lệ mù chữ, không biết tiếng phổ thông cao, chủ yếu làm công việc giản đơn và trong lĩnh vực nông nghiệp. Tỷ lệ lao động DTTS làm công việc chuyên môn kỹ thuật rất thấp. Có tới 12/53 DTTS có tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật dưới 2%... Để khắc phục tình trạng này, các chuyên gia đã đưa ra nhiều khuyến nghị, trong đó, cần đặc biệt chú trọng tăng cường cơ hội cho nhóm nữ DTTS được tiếp cận thị trường và thụ hưởng các chính sách, dịch vụ hỗ trợ giáo dục, đào tạo nghề...
Phát biểu tại hội thảo, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho rằng, cần phải có những chính sách để người dân vùng đồng bào DTTS, đặc biệt là phụ nữ tham gia một cách chủ động, được học tập, hòa nhập và vươn lên mạnh mẽ. Để làm được điều này, việc lồng ghép các hệ thống chính sách là rất quan trọng. Các cơ quan, ban ngành và địa phương cần tiếp tục nghiên cứu phát triển bền vững cho vùng đồng bào DTTS, để chính sách trở thành chiến lược lâu dài, bao quát toàn diện, có bố trí nguồn lực, có cơ chế điều phối, được đánh giá kiểm tra theo dõi điều chỉnh theo từng giai đoạn cụ thể.