Tăng cường chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT

Sau khi Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế Thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo các trường THPT tăng cường chuẩn bị, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh tham gia kỳ thi. Trong đó, việc lựa chọn môn thi cần tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo mục tiêu xét tuyển đại học.

Phổ biến kỹ quy chế

Cuối tuần qua, Sở GD-ĐT TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị trao đổi giải pháp nhằm nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 với sự tham gia của hiệu trưởng các trường THPT công lập và tư thục, giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn. Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học 2024-2025, toàn TP Hà Nội có 232 trường THPT, 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Trước đó, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, tỷ lệ tốt nghiệp khối THPT đạt 99,85%. Tuy nhiên, chất lượng điểm thi tốt nghiệp của nhiều trường THPT chưa bền vững, kết quả dạy học chưa đồng đều giữa các môn học, còn sự chênh lệch về điểm số giữa các trường THPT.

Năm 2025, với quy chế thi tốt nghiệp THPT mới, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hà Nội Trần Thế Cương đề nghị các trường THPT nghiên cứu kỹ nội dung quy chế, tư vấn đúng, trúng cho học sinh; xây dựng kế hoạch ôn tập sát yêu cầu thực tế của đơn vị; đặc biệt quan tâm giải pháp hỗ trợ những học sinh gặp khó khăn trong học tập, không để bất kỳ học sinh nào bị bỏ lại phía sau.

Trong khi đó, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định Nguyễn Xuân Hồng cho rằng, quy định xét công nhận tốt nghiệp THPT thay đổi theo hướng tăng tỷ lệ sử dụng kết quả học tập của học sinh ở các khối 10, 11, 12 từ 30% của năm ngoái lên 50% trong năm học này; đồng thời giảm tỷ lệ điểm thi tốt nghiệp từ 70% xuống còn 50% sẽ thúc đẩy việc dạy và học từ năm lớp 10, giảm tình trạng học lệch môn ở các trường THPT.

“Thay đổi này phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, nhà trường nâng cao chất lượng dạy và học, giảm áp lực và chi phí cho xã hội nhưng vẫn đảm bảo việc đánh giá, xét công nhận tốt nghiệp THPT”, ông Nguyễn Xuân Hồng nhận xét.

Trước khi kỳ thi diễn ra, các trường THPT đã có bước “chạy đà” trong 2 năm qua bằng việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh để phù hợp với yêu cầu của kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Cùng với đó, đề thi tham khảo đã được Bộ GD-ĐT công bố giúp các trường có định hướng xây dựng ngân hàng câu hỏi đề thi tiệm cận với đề thi tốt nghiệp THPT.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên Cù Huy Hoàn thông tin, các nội dung về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đã được triển khai đến các trường THPT trên địa bàn tỉnh vào tháng 9-2024, trong đó có cấu trúc, định dạng đề thi tốt nghiệp. Tại các trường học, kế hoạch ôn tập, ôn thi tốt nghiệp THPT đã được xây dựng từ đầu năm học 2024-2025; phân công giáo viên giỏi, nhiều kinh nghiệm tổ chức ôn tập cho học sinh. Hiện nay, các trường THPT đã ôn tập giai đoạn 1, chuẩn bị tiếp tục giai đoạn 2 vào đầu học kỳ 2 năm học 2024-2025.

&4c.jpg
Học sinh lớp 12, Trường THPT Marie Curie (quận 3, TPHCM) trong năm học 2024-2025. Ảnh: THU TÂM

Tại TPHCM, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) Huỳnh Thanh Phú cho hay, sau khi Bộ GD-ĐT ban hành quy chế thi mới, nhà trường đã điều chỉnh kế hoạch dạy học cho phù hợp, đảm bảo thực hiện tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tất cả cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên học vụ đều được quán triệt công tác chuyên môn, tập trung các nội dung trọng tâm của đề thi, xây dựng đề cương ôn tập phù hợp với từng nhóm đối tượng học sinh.

“Thông qua giáo viên chủ nhiệm, nhà trường sẽ triển khai quy chế thi mới cho học sinh và phụ huynh, đồng thời cho học sinh làm quen với mẫu đơn đăng ký thi tốt nghiệp THPT. Thời điểm hiện tại, công tác rà soát hồ sơ học sinh (như hình thẻ, học bạ, giấy khai sinh, căn cước công dân, bằng tốt nghiệp THCS, chứng chỉ ngoại ngữ) đang được tiến hành nhằm kịp thời khắc phục sai sót, thiếu sót nếu có”, thầy Huỳnh Thanh Phú chia sẻ.

Cân nhắc kỹ 2 môn tự chọn

Theo nhiều giáo viên cốt cán tại TPHCM, những điểm mới trong quy chế thi tốt nghiệp từ năm 2025 đã được Bộ GD-ĐT triển khai trong các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng giáo viên cốt cán nên không xa lạ với giáo viên và học sinh. Trong đó, cách đặt câu hỏi theo hướng gắn liền với tình huống thực tế, tăng cường câu hỏi trắc nghiệm lựa chọn đúng/sai, câu hỏi điền khuyết đã được đưa vào đề kiểm tra định kỳ ở các trường THPT.

Ngoài ra, trong quá trình học tập trên lớp, học sinh được yêu cầu nắm vững nội dung cốt lõi, có khả năng diễn đạt lại ngắn gọn kiến thức để rèn khả năng tư duy, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học.

&1a.jpg
Học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1, TPHCM) trong giờ học của học kỳ 1 năm học 2024-2025. Ảnh: THU TÂM

Đại diện các trường đều cho biết, sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch, các lớp 12 sẽ khảo sát lại việc lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT, tổ chức tư vấn cho học sinh lựa chọn môn thi phù hợp với năng lực, sở trường và tổ hợp môn xét tuyển đại học. Trên cơ sở môn thi tốt nghiệp THPT được học sinh đăng ký, các trường xây dựng kế hoạch ôn tập phù hợp với năng lực, nguyện vọng của từng học sinh.

Phó hiệu trưởng một trường THPT ở quận 3 (TPHCM) bày tỏ, ngoài 2 môn thi bắt buộc là Ngữ văn và Toán, học sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay phải đăng ký 2 môn tự chọn trong số các môn học còn lại của chương trình học cấp THPT.

Theo tính toán, học sinh có tổng cộng 36 cách lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT, đồng thời việc lựa chọn môn thi sẽ quyết định tổ hợp xét tuyển đại học. Năm nay, do số môn thi tốt nghiệp giảm 2 môn so với các năm trước nên số tổ hợp xét tuyển đại học cũng ít đi. Thời điểm hiện tại, các trường đại học chưa công bố phương thức xét tuyển đại học nên học sinh cần chờ phương thức xét tuyển để xác định môn thi phù hợp năng lực, định hướng nghề nghiệp của bản thân.

Tin cùng chuyên mục